Cơ hội nào cho miền đông Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh 4 bên

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5)- Giới quan sát nhận định Hội nghị thượng đỉnh ở Minsk dự kiến diễn ra ngày 11/02 được xem là cơ hội hòa bình cuối cùng cho vấn đề Ukraine.
(VOV5)- Theo dự kiến, ngày mai 11/02, cuộc gặp thượng đỉnh 4 bên giữa các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Nga và Ukraine nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở miền đông Ukraine sẽ diễn ra tại thủ đô Minsk của Berlarus. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn ở phía trước cho dù các bên đều bày tỏ mong muốn chấm dứt nổ súng tại miền đông Ukraine.

Giới quan sát nhận định Hội nghị thượng đỉnh ở Minsk dự kiến diễn ra ngày 11/02 được xem là cơ hội hòa bình cuối cùng cho vấn đề Ukraine. Hội nghị trên là kết quả sau cuộc gặp 3 bên giữa Tổng thống Nga Valdimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande tại Moscow, ngày 6/2, về vấn đề này.

Cơ hội nào cho miền đông Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh 4 bên  - ảnh 1
Cảnh đổ nát tại sân bay quốc tế Sergey Prokofiev ở Donetsk, miền đông Ukraine sau các cuộc giao tranh. (Nguồn: AFP/TTXVN)


Những dấu hiệu thuận lợi
Sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel rạng sáng 10/02 (giờ Việt Nam), tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đồng ý hoãn quyết định cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine. Ông Barak Obama tuyên bố ông hi vọng Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande có thể đạt một thỏa thuận với Tổng thống Nga Vladimir Putin để chấm dứt 10 tháng giao tranh đẫm máu tại miền đông Ukraine. Quyết định của ông chủ Nhà Trắng phần nào xóa bớt bất đồng giữa Mỹ và Liên minh châu Âu đồng thời nhằm trấn an Thủ tướng Đức Angela Merkel khi trước đó, bà khẳng định việc cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine sẽ chỉ là một hành động đổ thêm dầu vào chảo lửa miền Đông nước này. Dư luận còn nhớ phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ngày 7/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel tái khẳng định Berlin không đối đầu mà hợp tác với Nga vì an ninh châu Âu. Bà Merkel cũng nhấn mạnh Đức muốn tạo lập an ninh ở châu Âu cùng với Nga, chứ không phải chống lại Nga.

Trong một động thái cũng được cho là nhằm tránh gây sóng gió trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh 4 bên ở Minsk, tại cuộc họp ở Brussell (Bỉ) ngày 09/02, Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) quyết định hoãn áp dụng các biện pháp cấm vận mới đối với Nga.

Ngổn ngang thách thức
Dù xuất hiện một vài tín hiệu tích cực nhằm giúp hạ nhiệt căng thẳng trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh 4 bên song dư luận vẫn nhận thấy còn ngổn ngang những khó khăn mà các bên phải vượt qua. Ngay cả Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng thừa nhận hiện vẫn chưa chắc chắn về khả năng Ukraine và Nga có thể đạt được một thỏa thuận chính trị tại cuộc gặp Minsk, điều mà Tổng thống Pháp François Hollande mô tả là “một trong những cơ hội cuối cùng” để chấm dứt 10 tháng xung đột tại Ukraine. Hiện các bên đang rất cố gắng. Trước đó, tại Hội nghị an ninh ở Munich (Đức), Thủ tướng Angela Merkel cho rằng mặc dù bà không chắc chắn rằng cuộc gặp 4 bên giữa Pháp, Đức, Ukraine và Nga sắp tới có đạt được kết quả nào đó với Nga không, song các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine cần phải theo đuổi tất cả các cơ hội. Tổng thống Mỹ Barak Obama cũng tỏ ra không mấy lạc quan về viễn cảnh cuộc gặp thượng đỉnh khi ông cảnh báo Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường cấm vận Nga và cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine nếu cuộc gặp 4 bên Nga, Ukraine, Đức và Pháp tại Minsk (Belarus) ngày mai không đem lại một thỏa thuận hòa bình.

Trong khi đó, chiến sự vẫn đang diễn ra ác liệt tại khu vực miền Đông Ukraine, tiếp tục gây thương vong cho binh sỹ và dân thường. Đến nay, số người thiệt mạng trong cuộc chiến kéo dài suốt  10 tháng qua tại Ukraine lên hơn 5.600 người. Hiện Kiev vẫn cáo buộc quân ly khai đang tích trữ vũ khí hạng nặng chuẩn bị cho một cuộc tấn công mới.

Thực tế cũng cho thấy thái độ của Moscow tại cuộc họp 4 bên ở Minsk, ngày 11/2, sẽ quyết định tình hình của Ukraine cũng như cách hành xử tiếp theo của Mỹ và Liên minh châu Âu đối với Nga. Trước đó các nhà lãnh đạo phương Tây đã yêu cầu Tổng thống Nga Vladimir Putin có những động thái cương quyết chứng minh rằng Moscow thật sự muốn hòa bình cho Ukraine. Tuy nhiên Tổng thống Nga khẳng định nước Nga đang không tham chiến và cũng không muốn chiến tranh với bất cứ ai.

Một thỏa thuận nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng Ukraine là mong muốn của nhiều bên. Tuy nhiên trong bối cảnh thuận lợi ít, thách thức nhiều như hiện nay, dư luận có quyền hoài nghi về kết quả tích cực của Hội nghị thượng đỉnh 4 bên diễn ra ở Minsk, ngày mai./.

Feedback