Chống biến đổi khí hậu - nhiệm vụ không dễ dàng

Hồng Vân(tổng hợp)
Chia sẻ
(VOV5) - Kéo dài gần 2 tuần (từ 01- 12/12), Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu lần thứ 20 là hội nghị cuối cùng trước thời điểm các nước phải ký kết được một Hiệp định mới thay thế Nghị định thư Kyoto.
(VOV5) - Kéo dài gần 2 tuần (từ 01- 12/12), Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu lần thứ 20 là hội nghị cuối cùng trước thời điểm các nước phải ký kết được một Hiệp định mới thay thế Nghị định thư Kyoto.


Hội nghị lần thứ 20 của Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu (COP - 20) đang diễn ra tại Lima, Peru. Đại diện của gần 200 quốc gia tham gia Hội nghị để bàn cách giảm khí thải, chống biến đổi khí hậu với mục tiêu đạt được một Hiệp định quốc tế trong vòng 1 năm tới cũng như cách thúc đẩy kế hoạch hành động ở mỗi nước. Tuy nhiên đây là mục tiêu không dễ dàng trong bối cảnh các nước còn nhiều bất đồng. 


Chống biến đổi khí hậu - nhiệm vụ không dễ dàng  - ảnh 1
Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 20 (COP-20) tại Lima, Peru. (Ảnh: www.cop20.pe)


Kéo dài gần 2 tuần (từ 01- 12/12), Hội nghị Liên hợp quốc về chống biến đổi khí hậu lần thứ 20 là hội nghị cuối cùng trước thời điểm các nước phải ký kết được một Hiệp định mới thay thế Nghị định thư Kyoto.

Trong 12 ngày làm việc, đại diện các nước và vùng lãnh thổ tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (UNFCC) tập trung thảo luận về một hiệp ước toàn cầu mới do LHQ bảo trợ, xác định mục tiêu giới hạn mức tăng nhiệt độ của Trái Đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Các đại biểu sẽ đưa ra các cam kết để bảo vệ môi trường trước sự hủy hoại nghiêm trọng do tác động của con người.

Nhiều trở ngại

Trước thềm Hội nghị, Bộ trưởng Môi trường Peru Manuel Pulgar-Vida cho rằng khó có thể mong chờ một điều gì đột phá mạnh mẽ tại COP -20 song các nước vẫn có thể đi từng bước một để tiến tới một thỏa thuận vào năm tới.

Lời cảnh báo được đưa ra dựa trên thực tế rằng các nước công nghiệp đã không thực hiện mục tiêu giảm 7- 8% lượng khí thải nhà kính vào năm 2012 so với năm 1990, như Nghị định thư Kyoto đề ra. Nguyên nhân chính là do các quốc gia, nhóm quốc gia bất đồng về lợi ích và trách nhiệm. Trong khi các nước đang phát triển muốn các nước phát triển phải chịu trách nhiệm lớn hơn khi giải quyết việc giảm khí thải thì phương Tây cho rằng các nền kinh tế mới nổi cũng phải gánh trách nhiệm bởi thực tế một số nước, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, thải khí CO2 nhiều nhất trên thế giới (Trung Quốc đứng thứ nhất, trong khi Ấn Độ đứng thứ tư, sau Mỹ và Liên minh châu Âu). Ngoài ra, các nước cũng đang bất đồng về khoản ngân quỹ giúp các nước nghèo đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu. Các quốc gia đang phát triển muốn các nước giàu thực hiện lời hứa tăng quĩ bảo vệ khí hậu từ 10 tỷ USD trong giai đoạn 2010-2012 lên tới 100 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên do phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các quốc gia phát triển tỏ ra lo ngại về việc tài trợ dài hạn hay ngắn hạn cho quĩ bảo vệ khí hậu.

Trong khi lãnh đạo các quốc gia chưa thực hiện đầy đủ các cam kết thì giới khoa học liên tiếp cảnh báo rằng nếu tiến trình cắt giảm khí thải chậm trễ thì trong 15 năm tới, nhân loại sẽ phải đối mặt với thảm họa khôn lường do biến đổi khí hậu gây ra như nước biển dâng, băng tan, hạn hán, lũ lụt và thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Nghiên cứu mới nhất được cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ công bố cho thấy năm 2014 là năm nóng kỷ lục trong vòng 130 năm qua. Nhiệt độ của Trái đất trong 10 tháng tăng gần 0,680 C, cao gấp nhiều lần nhiệt độ trung bình của thế kỷ trước. 33 trong tổng số 38 dòng sông băng đang dần biến mất. Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lên tới hơn 40 tỷ tấn so với 32 tỷ tấn vào năm 2010. Theo "Dự án Carbon toàn cầu" công bố trước thềm hội nghị COP-20, chỉ 2 thập kỷ nữa, lượng khí thải này sẽ vượt quá giới hạn an toàn để thế giới có thể đạt mục tiêu kiềm chế nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Những tia hy vọng mong manh

Được dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn để các nước có thể đạt được một thỏa thuận chung nhưng trước thềm Hội nghị COP - 20, một số tín hiệu tích cực cũng được phát đi. Về tài chính, Quỹ khí hậu xanh cho biết đã nhận được cam kết đóng góp 9,6 tỷ USD từ 22 nước thành viên nhằm giúp các nước đang phát triển giảm khí thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất với hơn 3 tỷ USD, đứng thứ 2 là Nhật Bản với 1,5 tỷ USD.

Trước đó, trung tuần tháng 11, tại Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Barak Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thông báo hai nước đạt thỏa thuận về cắt giảm khí thải nhà kính vào năm 2030. Cụ thể,  đến năm 2025, Mỹ sẽ giảm 28% lượng khí thải so với năm 2005. Đây là mức giảm mạnh so với mục tiêu mà chính quyền Mỹ đặt ra trong nhiệm kì đầu của Tổng thống Barak Obama. Trung Quốc tuy không đưa ra cam kết cụ thể nhưng đặt mục tiêu đến năm 2030 (hoặc sớm hơn) không để gia tăng lượng khí thải và bắt đầu giảm dần. Đây là tín hiệu đáng mừng trong công cuộc chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu. 

Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon khẳng định: biến đổi khí hậu đang là vấn đề của thời đại và cần phải giải quyết ngay. Nếu càng chậm trễ thì nhân loại càng phải trả giá đắt. Bà Christiana Figueres, Thư ký điều hành Ủy ban Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (IPCC), nêu rõ kết quả của Hội nghị COP – 20 sẽ là nền tảng quan trọng cho sự đồng lòng của toàn thế giới để cùng nỗ lực biến những cơ hội tiềm năng thành hiện thực. Trong khi đó, Bộ trưởng bộ Môi trường Peru,  Manuel Pulgar-Vidal, nước chủ nhà Hội nghị, khẳng định hội nghị tại Lima là thời điểm quan trọng để đạt được những thỏa thuận về khí hậu vào năm 2015. Liệu các quốc gia có nắm bắt được cơ hội này để dọn đường cho một Hiệp định mới về ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu? Dư luận đang chờ đợi nỗ lực, trách nhiệm của mỗi thành viên đối với tương lai của hành tinh này./.

 

Feedback