CHDCND Triều Tiên tìm kiếm đối tác mới ở châu Âu

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5)- Chuyến công du của ông Kang Sok - ju sang Châu Âu nằm trong khuôn khổ những cố gắng mới đây của Bình Nhưỡng để thoát ra tình trạng cô lập.

(VOV5)- Chuyến công du của ông Kang Sok - ju sang Châu Âu nằm trong khuôn khổ những cố gắng mới đây của Bình Nhưỡng để thoát ra tình trạng cô lập.

Bí thư phụ trách đối ngoại của Đảng Lao động Triều Tiên Kang Sok-ju đang có chuyến thăm châu Âu. Đây là lần công du châu Âu hiếm hoi của quan chức cấp cao CHDCND Triều Tiên trong thời gian gần đây. Chuyến công du được cho là dấu hiệu của việc Bình Nhưỡng bắt đầu áp dụng phương thức tiếp cận ngoại giao chủ động hơn với thế giới bên ngoài.

Trong chuyến công du hơn 1 tuần, bắt đầu từ 6/9, ông Kang Sok-ju, người trong một thời gian dài đóng vai trò then chốt trong việc xử lý các quan hệ của CHDCND Triều Tiên với các nước, sẽ tới Bỉ, Thụy Sĩ và một số quốc gia châu Âu khác. Đây là lần đầu tiên ông Kang Sok-ju công du nước ngoài kể từ khi đảm nhiệm chức Bí thư phụ trách đối ngoại của Đảng Lao động Triều Tiên từ tháng 4 vừa qua.

CHDCND Triều Tiên tìm kiếm đối tác mới ở châu Âu - ảnh 1
Ông Kang Sok Ju (phải), bắt tay đại sứ Đức ở Triều Tiên Thomas Schaefer tại sân bay Bình Nhưỡng, trước khi sang thăm Bỉ, Thụy Sĩ, Đức và Ý. Ảnh: Petrotime

Tìm cách thoát khỏi sự cô lập về ngoại giao và kinh tế

Chuyến công du của ông Kang Sok - ju sang Châu Âu nằm trong khuôn khổ những cố gắng mới đây của Bình Nhưỡng để thoát ra tình trạng cô lập. Cần biết rằng, theo nguyệt san Chính trị thế giới (Pháp) số ra tháng 02/2014, trong tổng kim ngạch hàng nhập khẩu của CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc chiếm 67,2%, Hàn Quốc chiếm 19,4% và Liên minh Châu Âu (EU) chiếm 3,6%. Ở chiều ngược lại, hàng xuất khẩu của CHDCND Triều Tiên sang Trung Quốc chiếm 61,6%, sang Hàn Quốc chiếm 20% và sang  EU là 4%. Cho đến nay, CHDCND Triều Tiên có 3 đặc khu kinh tế và có kế hoạch mở thêm 19 đặc khu khác để kêu gọi các nhà đầu tư ngoại quốc. Trong bối cảnh đó, lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế tác động không nhỏ tới kế hoạch này của Bình Nhưỡng. Ngay cả quan hệ đặc biệt với đồng minh Trung Quốc cũng bị thiệt hại. Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se nhận định Bình Nhưỡng đang ở trong tình trạng khó khăn về ngoại giao và kinh tế hơn bao giờ hết do lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế liên quan đến vấn đề thử tên lửa và hạt nhân.

Trong bối cảnh này cũng cần nhắc đến quan hệ giữa CHDCND Triều Tiên với 3 quốc gia: Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trên thực tế, trong chính sách đối với cả 3 nước trên, CHDCND Triều Tiên đều cố gắng đảm bảo an ninh đất nước,  phát triển những liên hệ kinh tế thuận lợi. Tuy nhiên gần đây, ngoại giao của CHDCND Triều Tiên vấp phải những vấn đề với cả 3 quốc gia này.

Đối với Hoa Kỳ, điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ với CHDCND Triều Tiên phải là sự từ chối của Bình Nhưỡng với chương trình vũ khí hạt nhân. Nhưng CHDCND Triều Tiên coi đây là đòi hỏi không thể chấp nhận.

Quan hệ với Hàn Quốc cũng xấu đi nhiều ngay từ năm 2008. Căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên vẫn tiếp diễn. Tranh cãi, bất đồng vẫn xảy ra thay vì việc thiết lập các kênh hợp tác tích cực.

Quan hệ của CHDCND Triều Tiên với Trung Quốc gần đây cũng trở nên lạnh nhạt. Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi nhậm chức đã công du Hàn Quốc thay vì thăm CHDCND Triều Tiên như truyền thống cho thấy quan hệ giữa 2 nước không còn mặn mà. Thậm chí trên báo chí CHDCND Triều Tiên thời gian gần đây bắt đầu xuất hiện những lời chỉ trích chẳng mấy kín đáo nhằm vào Trung Quốc.

Trước thực tế trên, Bình Nhưỡng gần đây cố gắng cải thiện quan hệ với Nga. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng ở Ukraine và quan hệ Nga-phương Tây đang xấu đi có những tác động nhất định đến sự quan tâm của Moscow tới Bình Nhưỡng.

Tất cả những lý do đã trên khiến Bình Nhưỡng quyết định chuyển hướng sang châu Âu./. 

Feedback