Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2019 (BFA) kết thúc tại Trung Quốc tuần qua đã khẳng định sự cần thiết phải tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu để duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Tại diễn đàn được coi như Davos của châu Á này, nhiều giải pháp được đưa ra tuy nhiên cũng cho thấy những thách thức với châu Á khi mà chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy và hệ thống thương mại thế giới đối mặt với các rào cản ngày càng tăng.
Ảnh: thoibaotaichinhvn |
Theo báo cáo của BFA, hiện nay châu Á đang trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Năm 2017, tổng GDP của khu vực này đạt hơn 29.500 tỷ USD, lớn hơn so với 22.500 tỷ của Bắc Mỹ và 20.210 tỷ của châu Âu. Đà giảm tốc của kinh tế châu Á cũng thấp hơn nhiều so với các khu vực khác. Châu Á không chỉ trở thành nhà sản xuất lớn nhất thế giới mà còn là thị trường lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên điều này không có nghĩa là kinh tế châu Á không bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới, nhất là khi các tranh chấp thương mại, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng.
Nhất trí đẩy mạnh hợp tác đa phương
Xuất phát từ nhận thức chung rằng châu Á là một động lực quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, các nước tham dự diễn đàn nhất trí ủng hộ chủ nghĩa đa phương và tiếp tục thức đẩy toàn cầu hóa. Đại diện các quốc gia mong muốn chủ nghĩa đa phương là xu hướng dẫn dắt một lộ trình phát triển chung. Đây được coi là thành quả quan trọng nhất và cũng là thông điệp đáng khích lệ nhất của diễn đàn châu Á Bác Ngao năm nay.
Trong bối cảnh hệ thống thương mại thế giới đối mặt với các rào cản ngày càng tăng thì châu Á vẫn cho thấy tiềm năng kinh tế đầy hứa hẹn và dự kiến sẽ trở thành khối hợp tác khu vực lớn nhất thế giới. Được biết trong giai đoạn 2017 – 2018, 17 thỏa thuận mới đã được ký kết và 70 thỏa thuận song phương đang được triển khai giữa các nước trong khu vực. Điều này cho thấy sự liên kết thương mại và đầu tư giữa các quốc gia châu Á là xu hướng tất yếu.
Một điểm nhấn nữa cho thấy xu hương hợp tác phát triển ở châu Á là tất yếu khi tại BFA 2019, một văn bản hợp tác giữa Vụ liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA) với diễn đàn châu Á Bác Ngao được ký kết. Động thái này được cho là sẽ thúc đẩy sự hợp tác về phát triển bền vững trong khu vực và đẩy mạnh nỗ lực của Liên hợp quốc về thúc đẩy phát triển bền vững.
Toàn cảnh một phiên thảo luận của Hội nghị thường niên của Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2019 tại Hải Nam, Trung Quốc, ngày 27/3/2019. - Ảnh: THX/TTXVN |
Trong xu thế toàn cầu hóa, các nền kinh tế châu Á cũng xác định tăng cường hợp tác tập trung vào công nghệ xanh. Bên cạnh đó, là đưa ra các giải pháp có lợi trong cuộc thương lượng về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực sớm nhất có thể và xây dựng một thị trường châu Á năng động hơn. Để đối phó với những bất trắc, châu Á cũng cần phải thử mọi cách để hỗ trợ cho sự đổi mới.
Thách thức
Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề và rủi ro đang nổi lên, đe dọa khả năng phát triển của các nước ở châu Á. Nổi bật là các bất đồng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang diễn ra, tiếp đó là tốc độ tăng trưởng được dự báo chậm lại của 1 số nền kinh tế lớn, trong đó có Trung Quốc, sự suy yếu về hoạt động sản xuất cũng lan sang các nền kinh tế khác ở châu Á như Malaysia, Singapore... Ngoài ra, sự khác biệt căn bản giữa các nước châu Á kéo theo hàng loạt vấn đề như chênh lệch về kinh tế trong xã hội, xung đột sắc tộc và tôn giáo, tham nhũng, đói nghèo, hệ sinh thái suy giảm... cũng tác động không nhỏ đến sự phát triển của kinh tế châu Á trong thời gian tới.
Kinh tế châu Á được nhận định là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Với nhận thức chung vừa đạt được tại diễn đàn châu Á Bác Ngao 2019, dư luận tin rằng hoạt động thương mại tại châu Á sẽ được tăng cường trên cơ sở thúc đẩy hợp tác thương mại đa phương, dù cho nền kinh tế khu vực còn đối mặt nhiều rủi ro, thách thức.