(VOV5) - Trong 3 ngày họp (3 -5/6) tại Singapore, tình hình Biển Đông là vấn đề được quan tâm đặc biệt và đã được đề cập ngay từ phát biểu dẫn đề Đối thoại Shangri-la 15 cho tới các phiên thảo luận trong những ngày còn lại của Đối thoại. Cộng đồng quốc tế một lần nữa phản đối hành động bồi đắp và quân sự hóa ở Biển Đông, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì tự do hàng hải, tự do hàng không cũng như giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông thông qua biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế.
Khai mạc hôm 3/6, tại Singapore, Đối thoại Shangri - La lần thứ 15 do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Anh) tổ chức thu hút sự tham gia của hàng trăm đại biểu là các Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng, các quan chức an ninh cấp cao, chuyên gia các nước.
Phản đối yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông
Không nội dung nào được tập trung thảo luận và nêu chính kiến ở Đối thoại Shangri-La như vấn đề Biển Đông. Mối quan tâm về Biển Đông càng mạnh mẽ hơn tại diễn đàn năm nay khi Trung Quốc tăng cường hoạt động cải tạo đất và xây đảo nhân tạo phi pháp. Chỉ trong 1 năm, Trung Quốc đã đẩy mạnh các cuộc tuần tra hàng hải và xây dựng hàng loạt cơ sở quân sự trên các bãi cạn ở Biển Đông. Trong suốt diễn đàn, Bộ trưởng Quốc phòng nhiều nước, trong đó có Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Ấn Độ đồng loạt lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế và ủng hộ tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nơi có các tuyến đường biển quan trọng của thế giới.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakatani phát biểu tại phiên toàn thể thứ hai của Đối thoại Shangri-La. |
Ngay trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đặt vấn đề tranh chấp ở Biển Đông ở vị trí số 1 trong 7 mối lo an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương. Ông cho rằng khu vực và thế giới đang ở trong tình trạng “mất cân bằng” về an ninh, mà để tái lập được, các bên cần phải xây dựng lòng tin lẫn nhau, tôn trọng nhau và cùng nhau hưởng lợi. Đối với Biển Đông, Thủ tướng Thái Lan cho rằng các quốc gia đang có tranh chấp nên “tuyên bố chủ quyền theo hướng bớt dân tộc tính mà quan tâm hơn đến lợi ích chung”. Trong khi đó, tại phiên toàn thể đầu tiên ngày 4/6 với chủ đề "Giải quyết những thách thức an ninh phức tạp ở châu Á", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng bày tỏ lo ngại về những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông khi ông khẳng định tại Biển Đông, Trung Quốc đã và đang thực hiện những hành động mở rộng và chưa từng có tiền lệ, gây lo ngại về những toan tính chiến lược của Trung Quốc. Chính hành động này đã gây ra mối quan ngại cho các nước có liên quan và khiến Trung Quốc bị cô lập về lập trường. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng căng thẳng trên Biển Đông là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để Trung Quốc và các nước trong khu vực xây dựng một cơ chế ngăn chặn xung đột.
Phát biểu tại phiên toàn thể thứ hai của Đối thoại Shangri-La sáng 4/6 với chủ đề “Quản lý cạnh tranh quân sự ở châu Á”, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cũng cho rằng những hành động của Trung Quốc đang tạo ra một thách thức đối với nguyên trạng khu vực và trật tự quốc tế. Ông Nakatani khẳng định không một nước nào đứng ngoài trong vấn đề Biển Đông bởi nó liên quan đến an toàn và tự do hàng hải tại một khu vực vô cùng quan trọng với thương mại toàn cầu. Càng là cường quốc thì càng phải hành động có trách nhiệm. Không một nước nào có thể dùng vũ lực để hiện thực hóa những tuyên bố chủ quyền phi lý của nước đó. Cũng tại phiên thảo luận toàn thể này, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar khẳng định căng thẳng trên Biển Đông tiếp tục là mối lo ngại hiện hữu. Ấn Độ đề cao tự do hàng hải và tự do hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển của LHQ.
Đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, hợp tác thay vì đối đầu
Trước hàng trăm đại biểu từ các nước ASEAN, châu Á, châu Âu, Trung Quốc và Mỹ, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan O-Cha kêu gọi các nước tham gia vào tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông nên lựa chọn hợp tác thay vì đối đầu. Thái Lan ủng hộ giải pháp hòa bình cho những tranh chấp, theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Người đứng đầu Chính phủ Thái Lan cho rằng ASEAN cần phải đoàn kết và đề cao vai trò luật pháp quốc tế trong giải quyết vấn đề Biển Đông. Thái Lan tin rằng việc thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) sẽ tạo ra không khí để giải quyết vấn đề và ủng hộ việc sớm kết thúc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Các nước có tranh chấp chủ quyền cần tận dụng mọi cơ hội, mọi diễn đàn để cho thấy ý chí chính trị giải quyết vấn đề.
|
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc cải tạo phi pháp một bãi đá thành đảo nhân tạo ở Biển Đông và xây dựng trái phép các công trình quân sự trên đó. (Ảnh AP) |
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani kêu gọi các nước thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, tôn trọng tự do hàng hải và giải quyết tranh chấp thôn qua các biện pháp hòa bình, tuân thủ những phán quyết quốc tế. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian khẳng định hiệu lực mạnh mẽ của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, một văn bản mà theo ông là được áp dụng ở tất cả các nơi trên thế giới. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất trong giải quyết tranh chấp ở Biển Đông là cần phải xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Đối thoại Shangri - La 15 đã kết thúc. Vấn đề Biển Đông tiếp tục là nội dung thảo luận trọng tâm tại diễn đàn an ninh quan trọng này cho thấy sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Một lần nữa tư tưởng hợp tác hay đấu tranh phải trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được đề cao. Đó cũng chính là chuẩn mực để các bên liên quan giải quyết các tranh chấp, bất đồng, giảm thiểu nguy cơ xung đột, cùng tìm ra những giải pháp phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, góp phần giữ ổn định tại khu vực và thế giới.