Năm nay là năm thứ 4 cả nước thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 – 2025). Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ đầu năm, nhiều địa phương đã quyết tâm triển khai mạnh mẽ các giải pháp để phát huy thế mạnh của địa phương mình. Điều này góp phần vào nỗ lực chung của Chính phủ nhằm thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển.
Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 – 6,5%. Để góp phần đạt mục tiêu này, các địa phương phải đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; nâng cao tính tự lực, tự chủ, sáng tạo… trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Ảnh: Hà Khánh |
Phát huy lợi thế địa phương
Thành phố Hồ Chí Minh là một trong hai địa bàn có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam. Năm 2024, thành phố đặt chỉ tiêu tăng trưởng 7,5 - 8%. Đây là 1 chỉ tiêu rất thách thức. Với chỉ tiêu này, thành phố đã xác định kịch bản tăng trưởng cho từng quý và đã triển khai thực hiện ngay từ đầu năm.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: "Chúng tôi tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu cũng như tìm kiếm các động lực tăng trưởng mới, xu hướng phát triển mới, các mô hình kinh doanh mới để thu hút nguồn lực đầu tư xã hội, mở rộng thị trường và đa dạng hóa các hình thức thương mại. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục gia cố các động lực tăng trưởng hiện hữu, đồng thời phát triển thêm các động lực mới như: Kinh tế số, kinh tế xanh, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư chiến lược".
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương diễn ra đầu tháng 01/2024. Ảnh: baochinhphu.vn |
Đối với tỉnh Bắc Giang, năm 2024 là năm của sự tăng tốc và bứt phá trong phát triển với nền tảng là những thành tựu ấn tượng trên mọi mặt trong năm 2023. Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, tỉnh Bắc Giang đã đề ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó, làm tốt 3 nhóm vấn đề lớn, gồm: cải thiện kết cấu hạ tầng, xây dựng hạ tầng công nghiệp, hoàn thiện thể chế.
Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, cho biết: "Chúng tôi đang tập trung đề xuất với Chính phủ cho chủ trương thành lập các khu công nghiệp mới để phục vụ cho việc thu hút đầu tư, tích cực đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có mặt bằng để thu hút đầu tư. Chúng tôi cúng tập trung cao độ cho việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nhóm nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp bán dẫn. Chúng tôi phấn đấu trở thành một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai".
Đón đầu xu thế mới
Cùng với việc phát triển theo phương thức kinh tế truyền thống, thành phố Hồ Chí Minh xác định cần chuyển sang xu thế kinh tế tuần hoàn và tăng tốc kiến tạo một hành trình mới, hành trình tăng trưởng xanh hướng đến tương lai bền vững.
Hiện, thành phố đã hoàn thiện khung chiến lược kinh tế xanh nhằm chuyển đổi kinh tế thành phố đến năm 2030 theo hướng xanh, bền vững, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế, kết nối với các địa phương và trên thế giới.
Thành phố cũng đã ban hành kế hoạch gồm 56 chương trình và 30 dự án nhằm thực hiện các mục tiêu này, hướng đến giảm phát thải đối với thành phố.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Chúng tôi sẽ tập trung để giảm phát thải thông qua giao thông, tức là khuyến khích sử dụng giao thông công cộng, chuyển đổi các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường. Chúng tôi sẽ giảm phát thải thông qua sản xuất, chuyển đổi công nghệ sản xuất bằng cách đó là áp dụng kinh tế tuần hoàn. Giảm phát thải thông qua các hành vi, như: Xây dựng xanh, du lịch xanh, tiêu dùng xanh và thành phố cũng sẽ tập trung cho việc chuyển đổi năng lượng hướng tới sử dụng năng lượng sạch và sử dụng tiết kiệm năng lượng".
Tại Hải Phòng, bước vào năm 2024, lãnh đạo thành phố đã xác định năm nay là năm thành phố đứng trước cơ hội đón đầu xu hướng chuyển dịch vốn và tiếp nhận công nghệ từ các nước trên thế giới. Do đó, thành phố đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để bứt phá trong năm nay.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng, ông Lê Tiến Châu, cho biết: "Tập trung ưu tiên triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, cấp thiết cần hoàn thành từ nay đến hết nhiệm kỳ, trọng tâm là: Thành lập Khu kinh tế thứ 2 và Khu thương mại tự do tại khu vực Phía Nam Thành phố, nhằm phát huy lợi thế về dư địa phát triển, đất đai, tuyến đường bộ cao tốc ven biển. Chúng tôi phấn đấu để Hải Phòng trở thành là địa phương đi đầu cả nước với 3 đặc trưng ưu việt về “Vị trí - Chất lượng - Giá cả”.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương diễn ra đầu tháng 01/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: nhiệm vụ đặt ra cho năm 2024 là rất nặng nề, nhưng có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ, đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Sự đồng hành, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự chủ động của từng địa phương là yếu tố quyết định đến việc phát triển kinh tế, từ đó góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển của đất nước trong thời gian tới.