(VOV5) - Kết quả cuộc bầu cử Tổng thống vòng 1 tại Pháp vừa kết thúc ngày 24/4 với chiến thắng thuộc về hai ứng cử viên đại diện hai đảng đối lập tại Pháp. Cùng với các cuộc bầu cử tại Hà Lan, Đức, Italy, đây là cuộc bầu cử được đánh giá là mang ý nghĩa quan trọng, có thể hồi sinh hoặc phá hủy sự liên kết trên “lục địa già” châu Âu..
"Bóng ma" khủng hoảng tài chính vẫn ám ảnh châu Âu, nạn thấp nghiệp tăng, làn sóng người nhập cư ồ ạt gây nhiều xáo trộn và bất ổn trong xã hội. Tất cả những điều này đã và đang khiến cử tri các nước Châu Âu không hài lòng với tình hình hiện tại và dồn sự ủng hộ cho các đảng dân túy mới. Vì vậy, các cuộc bầu cử ở châu Âu trong năm nay được đánh giá là những "trận chiến" quyết liệt.
Thấy gì từ các lá phiếu của cử tri?
Tại Pháp, tuy kết quả bầu cử vòng 1 ghi nhận chiến thắng thuộc về ông Emmanuel Macron, đại diện cho đảng ôn hòa với số phiếu 23,82%, nhỉnh hơn chút so với bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng cực hữu về thứ hai với số phiếu 21,58%, nhưng chưa ai dám chắc bà Marine Le Pen sẽ không vượt lên dẫn trước trong vòng bỏ phiếu thứ hai diễn ra vào ngày 7/5 tới. Cơ hội cho cả hai ứng cử viên, theo các nhà quan sát, gần như là ngang nhau.
|
Ngày 24/4, Bộ Nội vụ Pháp công bố ứng cử viên độc lập Emmanuel Macron (bên trái) và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen bước vào vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống Pháp (AFP/TTXVN) |
Ông Emmanuel Macron công khai ủng hộ Liên minh châu Âu (EU) và quá trình toàn cầu hóa. Nếu ông chiến thắng, EU sẽ được cải cách và châu Âu có cơ hội được phục hồi. Trong khi đó, ứng viên đường lối cực hữu Marine Le Pen trong tuyên bố tranh cử đã cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đưa Pháp rời khỏi EU (Frexit) nếu đắc cử. Bà cũng hứa sẽ thắt chặt nhập cư, “phục hồi chủ quyền quốc gia về tiền tệ, kinh tế, lập pháp và lãnh thổ”. Pháp là nền kinh tế lớn thứ hai trong khu vực đồng tiền chung euro và lớn thứ bảy thế giới. Pháp cũng là một thành viên sáng lập EU và cùng với Đức, là một đầu tàu kinh tế của khối. Kết quả bầu cử vòng 1 tại Pháp vừa qua, với số phiếu không quá cách biệt giữa hai ứng viên, được coi là dấu hiệu của việc chủ nghĩa dân túy đang trỗi dậy.
Trước đó, ở Italy, thất bại của cựu Thủ tướng Matteo Renzi trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp đã cho thấy mức độ không hài lòng của cử tri nước này. Điều khiến Italy khác với các quốc gia khác là ở chỗ nước này không chỉ có duy nhất, mà có hai chính đảng đối lập chủ chốt phản đối đồng euro và một đảng thứ ba đang ngày càng có xu hướng như vậy. Hiện Italy đang chờ đợi một cuộc bầu cử sớm trong năm nay, đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội cho đảng cực hữu có quan điểm hoài nghi châu Âu vào chính trường. Italy là nền kinh tế lớn thứ 3 Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), là mắt xích quan trọng của tăng trưởng châu Âu. Nếu Italy rơi vào bất ổn, điều này sẽ tác động xấu đến nền kinh tế toàn khu vực.
Còn tại Hà Lan, mặc dù đảng “Nhân dân vì tự do và dân chủ” (VVD) của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hạ viện ngày 15/3, nhưng chính quyền mới lại phải đối mặt với không ít thách thức khi mà sự chia rẽ đang ngày một lớn. Mặc dù dẫn đầu, song đảng VVD bị mất tới 9 ghế so với 41 ghế trong Quốc hội đương nhiệm. Trong khi đó, nếu so với 12 ghế trong Quốc hội hiện nay, việc giành được 19 ghế trong cuộc bầu cử đã là chiến thắng bước đầu của đảng cực hữu PVV. Nó cũng cho thấy trật tự chính trị ở châu Âu bắt đầu có những thay đổi.
|
Thủ tướng Italia Matteo Renzi tuyên bố từ chức sau thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân. (TTXVN) |
Trong khi đó cuộc bầu cử ở Đức hứa hẹn sẽ không có nhiều kịch tính khi Thủ tướng Angela Merkel cho đến nay vẫn là chính trị gia quyền lực nhất ở châu Âu với tỷ lệ ủng hộ lên tới 60%. Bà được dự đoán là một ứng cử viên triển vọng để giành được một nhiệm kỳ thủ tướng tiếp theo, cho dù đảng đối lập phản đối mạnh mẽ cách giải quyết của bà Merkel đối với cuộc khủng hoảng người di cư, có thể lần đầu tiên giành được ghế trong Hạ viện.
Tương lai Châu Âu sau các cuộc bầu cử
Trong bối cảnh châu Âu vẫn phải đương đầu với những thách thức khi tăng trưởng kinh tế thấp, tỷ lệ thất nghiệp cao, bất bình đẳng xã hội chưa thể giải quyết, làn sóng nhập cư ồ ạt kéo theo những vấn đề về an ninh và xã hội... đây sẽ là mảnh đất màu mỡ để tâm lý bất mãn đối với các chính phủ gia tăng. Tâm lý bất an, những bức xúc về lợi ích kinh tế, nỗi lo sợ bị bỏ lại phía sau, đã khiến cho người dân các nước có thể không đặt niềm tin vào giới tinh hoa chính trị thông qua lá phiếu. Nhìn lại chuỗi các sự kiện bầu cử vừa qua nguy cơ của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu chưa thể loại trừ. Không thể phủ nhận một thực tế là từ Áo tới Hà Lan, Italy, Pháp, các đảng nhỏ đang dần mạnh lên với những khẩu hiệu hướng tới người dân và được người dân ủng hộ.
Sau Việc Anh rời khỏi EU, cải cách Hiến pháp thất bại ở Italy, bầu cử sơ bộ ở Pháp, hiện người ta đang nói tới một khái niệm mới có tên gọi “Mùa xuân yêu nước”. Hẳn còn quá sớm để nói về trào lưu này nhưng chắc chắn, khi hào nhoáng của toàn cầu hóa qua đi, nếu tiếng nói của người dân không được lắng nghe, nhu cầu của họ không được tôn trọng và họ bị bỏ lại bên lề xã hội thì những phong trào dân túy mới lại có thể xuất hiện. Tất nhiên, kéo theo đó sẽ là những hệ lụy khó dự đoán đối với địa chính trị toàn cầu.