Hội nghị đã quyết định mở rộng khối, củng cố sức mạnh kinh tế nhằm hiện thực hóa mục tiêu cùng tăng tốc, phát triển bền vững.
BRICS gồm 5 nền kinh tế mới nổi của thế giới là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Nhờ lợi thế quy mô dân số, vị trí địa lí và sức mạnh nội lực của các nền kinh tế thành viên, BRICS ngày càng có vị thế và tầm ảnh hưởng rộng rãi trên phạm vi toàn cầu.
Nhất trí tăng gấp đôi thành viên
Trong ngày họp cuối cùng của Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 (24/8), các nhà lãnh đạo khối BRICS đã đồng ý mở rộng khối, đồng thời kêu gọi hợp tác, minh bạch và toàn diện hơn để đảm bảo trật tự quốc tế công bằng và bình đẳng.
Việc mở rộng khối mang lại ảnh hưởng toàn cầu cho BRICS trong bối cảnh sự phân cực địa -chính trị đang thúc đẩy Nga và Trung Quốc đưa BRICS thành đối trọng với phương Tây.
6 quốc gia được mời tham gia BRICS gồm: Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, United Arab Emirates và Saudi Arabia. Các ứng cử viên mới sẽ được kết nạp làm thành viên vào ngày 1/1/2024.
Đây là lần thứ hai BRICS quyết định mở rộng. Sau khi được thành lập vào năm 2009 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, năm 2010 khối này đã kết nạp thêm Nam Phi. Hiện nay, BRICS chiếm khoảng 40% dân số thế giới và đóng góp hơn 1/4 GDP toàn cầu.
Quyết định mở rộng khối của BRICS không gây bất ngờ cho dư luận bởi trước đó, các nước thành viên BRICS đều công khai bày tỏ sự ủng hộ kế hoạch mở rộng khối, song thách thức nằm ở quan điểm khác biệt giữa các nước thành viên về các tiêu chuẩn, tiêu chí và quy trình của một nhóm mở rộng.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết BRICS sẵn sàng mở rộng nhóm trong bối cảnh nhóm đang theo đuổi tầm ảnh hưởng lớn hơn trong việc định hình trật tự thế giới.
Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: BRICS |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì khẳng định rằng BRICS là một lực lượng quan trọng trong việc định hình bối cảnh quốc tế vào thời điểm thế giới bước vào thời kỳ chuyển đổi mới. Khối phải nêu cao tinh thần cởi mở, bao trùm và hợp tác cùng có lợi của BRICS, cho phép thêm nhiều quốc gia gia nhập gia đình BRICS, tập hợp trí tuệ và sức mạnh, đồng thời thúc đẩy sự phát triển quản trị toàn cầu theo hướng công bằng và hợp lý hơn. Trong khi đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc mở cửa cho các thành viên mới và hoan nghênh thực hiện điều này dựa trên sự đồng thuận.
Về phía các nước thành viên mới của BRICS, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El Sisi khẳng định Cairo sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với nhóm này để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế, tăng cường tiếng nói của các quốc gia Nam bán cầu. Tương tự, Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed nhấn mạnh Abu Dhabi mong muốn tiếp tục hợp tác với BRICS vì thịnh vượng, vì lợi ích chung của tất cả các quốc gia và người dân trên toàn thế giới. Trong khi đó, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud cho biết nước này đánh giá cao vai trò, vị thế và tiềm lực của BRICS, mong muốn hợp tác chặt chẽ hơn với BRICS để đạt mục tiêu phát triển.
Từng bước hiện thực hóa chiến lược hợp tác kinh tế của BRICS
BRICS chiếm khoảng 40% dân số, gần 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, có có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế thế giới. Quan hệ hợp tác nhiều mặt trong khuôn khổ BRICS không chỉ đóng góp quan trọng vào bảo đảm tăng trưởng bền vững cho các quốc gia thành viên mà còn thúc đẩy phục hồi kinh tế toàn cầu nói chung.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc sẽ nghiên cứu việc thành lập Nền tảng hợp tác ứng dụng và dữ liệu vệ tinh viễn thám toàn cầu BRICS để cung cấp hỗ trợ về dữ liệu cho lĩnh vực nông nghiệp, bảo tồn sinh thái và giảm thiểu thiên tai ở nhiều quốc gia. Ngoài ra, nước này cũng sẽ làm việc với tất cả các bên liên quan để cùng thiết lập Khung BRICS về Hợp tác Công nghiệp vì Phát triển Bền vững.
Phát biểu trực tuyến từ Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh sẽ thúc đẩy việc hiện thực hóa hơn nữa chiến lược hợp tác kinh tế của BRICS đến năm 2025 và phát triển các lộ trình hợp tác dài hạn mới. Một trong số đó là tăng cường vai trò của các nước thành viên trong hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế, phát triển hợp tác liên ngân hàng, hợp tác sâu sắc hơn trong các hoạt động thuế, hải quan và chống độc quyền, tăng cường phát triển các mối quan hệ nhân đạo nói chung.
Trong bối cảnh hiện tại, khi cạnh tranh các nước lớn ngày càng gay gắt, cục diện thế giới ngày càng phân cực, các chuyên gia nhận định sự trỗi dậy của BRICS đang cho thấy khả năng chuyển dịch quyền lực từ Bắc Bán cầu sang Nam Bán cầu và sự lớn mạnh hơn của các quốc gia mới nổi, các nước đang phát triển. Sự mở rộng BRICS cũng như tăng cường liên kết kinh tế trong khối có thể tạo ra một cán cân mới, giúp cân bằng hơn với ảnh hưởng của các nước phương Tây. Tuy nhiên, điều quan trọng là các nước cần tăng cường các giải pháp xây dựng lòng tin, dung hòa lợi ích, thúc đẩy hợp tác thay vì gia tăng cạnh tranh, để cùng tăng tốc, phát triển bền vững.