Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tổng Thư ký ASEAN vừa kết thúc hôm 18/1. Bên cạnh các nội dung như tiến trình xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy liên kết kinh tế, mở rộng quan hệ đối ngoại…, duy trì an ninh trên Biển Đông cũng là một nội dung được bàn thảo, coi đây là trọng tâm hợp tác của ASEAN trong năm 2019 này.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự phiên họp AMM Retreat 2019. - Ảnh Sơn Nam/TTXVN |
Thời gian qua, tình hình Biển Đông trên thực địa vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động quân sự hoá tiếp tục gia tăng. Tại Hội nghị hẹp Ngoại trưởng các nước ASEAN diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/1 ở Chieng Mai, Thái Lan vừa qua, các Ngoại trưởng ASEAN bày tỏ quan ngại về các hoạt động bồi đắp, tôn tạo và các hoạt động làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, gây phương hại tới hòa bình và an ninh khu vực.
Biển Đông, mối quan tâm chung của các nước trong và ngoài khu vực
Năm 2018 chứng kiến sự gia tăng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này kéo theo việc các nước phương Tây tăng cường hiện diện tại Biển Đông. Các hoạt động tập trận song phương của tàu chiến Anh, Pháp, Nhật Bản và Australia ở vùng biển này diễn ra với tần suất tăng lên. Tình hình Biển Đông được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nhận định: “Biển Đông là vấn đề quan tâm lớn không chỉ các nước trong khu vực mà cả các nước ngoài khu vực. Bởi vì Biển Đông nếu có bất cứ điều gì xảy ra sẽ tác động đến môi trường hòa bình an ninh, đến tự do hàng hải, tự do giao thương trên Biển Đông. Năm 2018, việc mở rộng và quân sự hóa các đảo đá, làm cho các nước hết sức lo ngại việc Biển Đông trong tương lai dễ xảy ra xung đột gây mất ổn định không chỉ cho khu vực mà cả Châu Á-Thái Bình Dương. Điều này cho thấy vì sao các nước quan tâm và có các hoạt động quân sự hay các hành động diễn tập quân sự ở vùng biển này”.
ASEAN duy trì đoàn kết, tiếng nói chung
Trong bối cảnh đó, ASEAN nhất trí coi duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông là nội dung trọng tâm của các hoạt động hợp tác trong khu vực năm 2019. ASEAN tái khẳng định lập trường nguyên tắc, duy trì đoàn kết, tiếng nói chung, đóng góp cho hoà bình, ổn định và an ninh khu vực trên cơ sở những nguyên tắc đã nhất trí, trong đó có tự kiềm chế và không quân sự hóa, thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và phấn đấu đạt Bộ Quy tắc COC, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có việc hoàn tất lần rà soát thứ nhất dự thảo văn bản COC trong 2019. Tất cả những điều này được ghi nhận vào Tuyên bố chung của Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Chieng Mai, Thái Lan. Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai cho biết: “Các Bộ trưởng mong rằng sẽ có nhiều phiên thảo luận được tổ chức để đạt được lần rà soát đầu tiên của dự thảo văn bản đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông. Sau khi có lần rà soát này thì hy vọng sẽ đạt được sự thống nhất giữa các bên liên quan và rốt cuộc dẫn đến việc hoàn tất đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông”.
Là một thành viên của ASEAN và cũng là nước có ảnh hưởng trực tiếp, tử trước tới nay, Việt Nam luôn khẳng định chính sách nhất quán của mình trong vấn đề Biển Đông. Đó là mong muốn xây dựng một môi trường hòa bình, ổn định để tất cả các quốc gia cùng phát triển. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết thêm: “Quan điểm của Việt Nam là Biển Đông là mối quan tâm chung và không được tiến hành các hoạt động có thể dẫn đến sự cố gây xung đột. Lập trường của Việt Nam là tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước luật biển của Liên hợp quốc năm 1982…Chúng ta vẫn tiếp tục thúc đẩy hoan nghênh mọi sáng kiến đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.
Trên quan điểm đó, một bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) cần có các nội dung phù hợp, đóng góp thực chất cho việc xây dựng khu vực hòa bình, ổn định, hoạt động dựa trên luật lệ là vô cùng cần thiết. Ông Lê Đình Tĩnh, Phó Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, cho rằng: “UNCLOS có cung cấp cơ chế giải quyết tranh chấp còn COC thì không. Tuy nhiên, tôi cho rằng mong muốn của ASEAN trong đó có Việt Nam là muốn những nội dung của COC phải là thực chất và có giá trị về mặt pháp lý. Bộ quy tắc này là vô cùng quan trọng, bản thân luật pháp quốc tế đã đóng vai trò quan trọng đối với khu vực này, nhưng vẫn còn thiếu những thỏa thuận, những cam kết của các quốc gia trong việc triển khai các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đảm bảo một sự trật tự, hòa bình, ổn định chung”.
Cuối năm 2018, Trung Quốc và ASEAN đã thống nhất một dự thảo văn bản đàm phán và dự kiến sẽ kết thúc các cuộc đàm phán về COC vào năm 2021. Với quyết tâm và nỗ lực của các bên, hy vọng tiến trình này sẽ sớm về đích.