Trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc, quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Đảng cộng sản Việt Nam là sự kế thừa, phát triển tư tưởng truyền thống “giữ nước từ khi nước chưa nguy". Đồng thời cũng thể hiện tư duy mới của Đảng cộng sản Việt Nam về phương thức, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Bộ đội Biên phòng Việt Nam và lực lượng bảo vệ biên giới của Lào thực hiện nghi thức chào cột mốc trong buổi tuần tra song phương - Ảnh: Xuân Tư/TTXVN |
Trong một thế giới biến động, cạnh tranh chiến lược và nhiều sự lựa chọn, Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng.
Quan điểm nhất quán
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam (năm 2021), nêu rõ: “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Điểm nhấn ở đây chính là: mục tiêu bảo vệ Tổ quốc không đơn thuần là để ứng phó với chiến tranh; mà vấn đề quan trọng và thiết yếu hơn là, tạo ra sức mạnh để giữ vững ổn định chính trị và môi trường hòa bình, nhằm xây dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 cũng chỉ rõ chính sách quốc phòng “4 không”, đó là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Phát biểu khi chủ trì phiên họp thứ nhất Ban chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế diễn ra ngày 2/8/2023, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định lại chính sách này.
Mới đây, Cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”, xuất bản tháng 9, tập hợp những bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, cho thấy rõ định hướng quan trọng để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng Việt Nam.
Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một điểm sáng của đối ngoại quốc phòng Việt Nam - Ảnh tư liệu: Trọng Đức/TTXVN |
Thiếu tướng Vũ Cương Quyết, Viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng, chia sẻ: "Điểm cốt lõi, bước đột phá trong tư duy của Tổng bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương trong xây dựng chiến lược quốc phòng Việt Nam chính là tư tưởng bảo vệ độc lập, tự chủ của đất nước phải gắn với bảo vệ hòa bình và bảo vệ hòa bình chính là một giá trị thiêng liêng của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đây là tư tưởng lý luận quân sự quốc phòng sáng tạo độc đáo: bảo vệ môi trường hòa bình là mục tiêu xuyên suốt trong xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc phòng quân sự".
Hành động thực tế
Với ưu tiên bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa, Việt Nam tích cực xây dựng các hoạt động hợp tác hòa bình với các nước. Hiện, Việt Nam đã có quan hệ, hợp tác về quốc phòng với các đối tác chủ chốt, phù hợp với các quan hệ song phương theo các khuôn khổ của đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác hợp tác toàn diện. trên thực tế, Giao lưu hữu nghị Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc đã trải qua 7 lần tổ chức, góp phần thúc đẩy tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa các đơn vị bảo vệ biên giới hai nước... Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đã tổ chức thành công Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất vào ngày 14/12 tại khu vực cột mốc ngã ba biên giới (tỉnh Kon Tum/Việt Nam, Attapeu/Lào và Ratanakiri/Campuchia).
Việt Nam cũng tích cực tham gia nhiều hoạt động đối ngoại quốc phòng đa phương trên kênh quốc phòng ASEAN (ADMM/ADMM+), kênh hợp tác quân sự ASEAN, kênh hợp tác quốc phòng trong khuôn khổ Diễn đàn khu vực ASEAN về thúc đẩy đối thoại và hợp tác về các vấn đề chính trị - an ninh (ARF) và một số diễn đàn đa phương khác...
Là quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, Việt Nam tích cực hợp tác cùng các quốc gia khác giải quyết các vấn đề an ninh đang nổi lên, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới. Đặc biệt là việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Cho đến nay, Việt Nam đã cử gần 790 lượt cán bộ, nhân viên đi thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.
Chia sẻ về quan điểm của Việt Nam tại buổi trao đổi chính sách ở Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ (CFR) nhân Tuần lễ cấp cao APEC 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, ngày 15/11, (TP. San Francisco), Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: "Trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, Việt Nam chia sẻ quan điểm chung về việc các quốc gia thực hiện chính sách hòa bình, coi trọng sự bình đẳng, lợi ích chính đáng của nhau và tôn trọng Luật pháp quốc tế. Việt Nam ủng hộ việc củng cố, nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương và tăng cường phối hợp quốc tế để làm giảm căng thẳng, ngăn ngừa, chấm dứt xung đột để giải quyết các vấn đề về phát triển".
Quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình cho thấy sự chủ động của Việt Nam trong xây dựng, bảo vệ đất nước đồng thời cũng là đóng góp chung cho sứ mệnh bảo vệ hòa bình khu vực và trên thế giới.