Bảo đảm an sinh xã hội trong mọi hoàn cảnh

Hồng Vân
Chia sẻ
(VOV5) - Bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân luôn là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên trong điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ. Năm 2014, cùng với việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ, đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp...
(VOV5) - Bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân luôn là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên trong điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ. Năm 2014, cùng với việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, chính sách tài khóa chặt chẽ, đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp... Chính phủ Việt Nam đặc biệt coi trọng đảm an sinh xã hội nhằm phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,7%-2%, tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, tăng khả năng tiếp cận và bảo đảm mức tối thiểu về dịch vụ xã hội cơ bản.


Bảo đảm an sinh xã hội trong mọi hoàn cảnh - ảnh 1
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2014 do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức. Ảnh VGP

Bảo đảm an sinh xã hội là 1 trong 9 giải pháp chủ yếu trong chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 của Chính phủ. Trong nhiệm vụ này, Chính phủ Việt Nam chú trọng đến giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp giải quyết việc làm, chính sách giảm nghèo     

Để đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,7%-2%, năm 2014,  Việt Nam sẽ rà soát tổng thể, điều chỉnh và thực hiện đồng bộ các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo bền vững, nhất là đối với các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Chính phủ cũng giảm dần hỗ trợ trực tiếp, tập trung thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, dạy nghề, khuyến nông - lâm – ngư. Thứ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho biết: “Bộ Lao động, thương binh và xã hội và các bộ, ngành đánh giá lại toàn bộ chính sách giảm nghèo, để chỉ ra chính sách nào phù hợp, còn phát huy được và còn áp dụng được trong giai đoạn tới. Chính sách nào cần phải thay đổi, cần phải sửa đổi, bổ sung và chính sách nào thì nên dừng. Xây dựng hệ thống tiêu chí nghèo nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, cả về thu nhập, cả về tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, giải quyết vấn đề tính đặc thù của các nhóm đồng bào, các nhóm dân cư và các nhóm địa bàn chứ không nên cào bằng giống nhau cho cả nước và cho từng vùng rộng lớn. Thời gian tới, phải làm thế nào để khuyến khích được sự tham gia tích cực của người dân hơn. Người dân phải được hỗ trợ để họ tự lực vươn lên thoát nghèo và chính người dân là chủ thể mong muốn thoát nghèo”.

Năm 2014, Việt Nam phấn đấu tạo việc làm cho 1,6 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 52%. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ chú trọng đổi mới căn bản công tác dạy nghề, cùng kết hợp với doanh nghiệp để tạo đào nghề. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Một trong những điều cần phải gắn cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp, đào tạo nghề ra là để đi làm gì, làm ở đâu. Bộ lao động phải cùng với các tỉnh phải kết hợp thì mình mới đào tạo đúng được. Thứ hai là  xuất khẩu lao động tiến tới phải thành như mũi nhọn. ”

Bảo đảm mức tối thiểu về dịch vụ xã hội cơ bản

Việc tăng khả năng tiếp cận và bảo đảm mức tối thiểu về dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở... là những nhiệm vụ được chú trọng trong năm 2014. Bà Nông Thị Bích Liên, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho rằng: Tập trung ưu tiên có trọng điểm đối với các bệnh viện còn đang dở dang, xóa bỏ các phòng học tạm bợ tranh tre, vách nứa và các công trình giao thông đường ô tô đến trung tâm các xã biên giới chưa láng nhựa hoặc bê tông; công trình xây dựng hồ chứa nước sinh hoạt vùng cao núi đá phía Bắc và các vùng đặc biệt thiếu nước ngọt.

Song song với các nhiệm vụ trên, năm 2014 Việt Nam sẽ xây dựng dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ban hành các văn bản về chính sách bảo hiểm xã hội; mở rộng diện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. 

Thực hiện tốt an sinh xã hội sẽ tạo tiền đề quan trọng cho sự ổn định kinh tế, chính trị đồng thời là động lực cho phát triển. Việc Chính phủ Việt Nam tăng cường thực hiện nhiệm vụ này không những đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tạo lòng tin trong nhân dân mà còn sẽ tạo sự cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội./.

Feedback