Báo chí cách mạng đồng hành cùng đất nước

Vân Hường
Chia sẻ
(VOV5) - Những đóng góp của báo chí trong gần một thế kỷ qua đã khẳng định được vai trò của báo chí đối với sự phát triển của đất nước.

Ngày này 98 năm trước (21/6/1925), tờ báo Thanh niên, do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số đầu tiên, đánh dấu sự ra đời của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Gần 1 thế kỷ qua, các thế hệ người làm báo với sức lực, trí tuệ của mình đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước.

Việt Nam hiện có hơn 800 cơ quan báo chí , tổng nhân sự lĩnh vực báo chí là hơn 42 nghìn người. Là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng trưởng thành vững mạnh về mọi mặt, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.

Luôn đồng hành cùng đất nước

Những năm đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước, nhiều nhà báo, phóng viên đã không quản ngại hiểm nguy, gian nan có mặt ở mặt trận để truyền tải thông tin. Nhiều người đã anh dũng hy sinh, để lại biểu tượng về tinh thần trách nhiệm và tình yêu với quê hương, đất nước.

Trong quá trình xây dựng đất nước, báo chí đã phản ảnh những thành tựu, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong việc Việt Nam đạt được những điểm sáng về tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau dịch COVID - 19; nhân dân có niềm tin vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước.

Báo chí cách mạng đồng hành cùng đất nước - ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại lễ trao giải Diên Hồng – giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân lần thứ nhất (ngày 9/6), năm 2023. Ảnh: TTXVN

Nhìn lại 2 - 3 năm trước, khi cả thế giới phải đối mặt với đại dịch COVID-19 với nhiều khó khăn, thách thức, báo chí cách mạng Việt Nam đã góp phần tạo sự đồng thuận, chia sẻ, đồng cảm trong nhân dân về các biện pháp chống dịch. Có thể nói những chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống, phản ánh hiện thực cuộc sống là nhờ báo chí.

Phát biểu tại lễ trao giải Diên Hồng – giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân lần thứ nhất (ngày 9/6), năm 2023 - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Báo chí đã chủ động tuyên truyền, cổ động một cách toàn diện, kịp thời, góp phần tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng được Quốc hội, Hội đồng nhân dân thể chế hóa bằng những quyết sách và các phong trào hành động khắp toàn quốc; đồng thời, đã phản ánh chân thực, sinh động tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các ngành, các giới, của cử tri, Nhân dân cả nước và đồng bào ở nước ngoài. các thế hệ phóng viên, biên tập viên luôn đồng hành, dấn thân, đam mê sáng tạo; qua đó, tiến bộ không ngừng và trưởng thành một cách toàn diện”.

Thích ứng với thời đại

Trong bối cảnh hội tụ công nghệ truyền thông hiện nay, hoạt động của các cơ quan báo chí chuyển dần sang mô hình cơ quan báo chí đa phương tiện, thực hiện nhiều loại hình báo chí, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao và đa dạng của công chúng.

Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng phê duyệt hồi tháng 4 vừa qua xác định: đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số. 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ…Chiến lược chuyển đổi số cho thấy tầm nhìn xa về sự phát triển chung của nền báo chí Việt Nam để bắt nhịp với sự phát triển chung của báo chí thế giới, đồng thời đáp ứng những đòi hỏi riêng đối với sứ mệnh, vai trò quan trọng của báo chí Việt Nam trong hành trình kiến tạo, xây dựng quốc gia hùng cường, có vị thế, tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Báo chí cách mạng đồng hành cùng đất nước - ảnh 2Nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân. Ảnh: dangcongsan.vn

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, nhiều cơ quan báo chí đã và đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ: “Các nội dung mang tính chất đa phương tiện, đa nền tảng đang được cơ quan báo chí thể hiện rõ nét, sinh động và được ứng dụng từ những nội dung văn bản, ảnh, đồ họa. Báo chí dữ liệu càng ngày càng trở nên thuần thục. Đặc biệt, trong việc kết hợp giữa các tác phẩm thuộc nhiều nền tảng khác nhau thì các cơ quan báo chí cũng rất mạnh dạn, những nội dung được triển khai sáng tạo hơn”.

Nhà báo Phạm Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cho biết Đài Tiếng nói Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế chuyển đổi số để phục vụ “công chúng số”: “Môi trường số và những sản phẩm báo chí số sẽ tạo ra những ưu thế cho sự phát triển. Nhiều đơn vị của Đài đã chủ động nắm bắt xu thế này và phân phối nhiều nội dung trên nền tảng số. Ở Đài, ngoài hai tờ báo điện tử thì Đài truyền hình kỹ thuật số VTC có nền tảng VTCNow để phân phối nội dung truyền hình. Bên phát thanh có VOVmedia, VOVLine, rồi một số những nền tảng khác nữa để phát trực tuyến các kênh phát thanh”.

Báo chí cách mạng Việt Nam đã có 98 năm hình thành và phát triển. Những đóng góp của báo chí trong gần 1 thế kỷ qua đã khẳng định được vai trò của báo chí đối với sự phát triển của đất nước, góp phần quan trọng để đất nước có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Feedback