Đó là những nhận định lạc quan về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam, bất chấp những cái nhìn phiến diện, tỏ ý hoài nghi về sự phát triển theo hướng ngày càng bền vững và thực chất của kinh tế và về những giá trị mà phát triển kinh tế mang lại cho người dân Việt Nam.
Theo báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV thì tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế Việt Nam năm 2018 là 7,08%, quý I-2019 là 6,79%, và mục tiêu năm 2019 là tăng trưởng 6,8%. Nhiều chuyên gia, tổ chức kinh tế thế giới cùng chung nhận định lạc quan về nền kinh tế Việt Nam.
Ngành dệt may là một thế mạnh xuất khẩu ở Việt Nam
- Ảnh minh họa: Nikkei Asean Review |
Nền kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng ổn định trong dài hạn
Ngày 28-5 vừa qua, hãng tin Bloomberg nổi tiếng đã trích dẫn báo cáo của Ngân hàng DBS Bank dự báo rằng, kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng 6-6,5% trong 10 năm tới. Với tốc độ tăng trưởng đó, theo DBS Bank thì trong 10 năm nữa, quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn quy mô những nền kinh tế phát triển của châu Á và thế giới do một số nền kinh tế phát triển đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại vì những khó khăn chung của kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đã cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2019 cũng chỉ đạt 3,5%. Như vậy, nền kinh tế của Việt Nam có cơ hội rút ngắn, san bằng khoảng cách với nhiều nền kinh tế phát triển hơn mình trong thời gian tới.
Trong xu hướng này, Cục Thống kê Hoa Kỳ mới đây công bố số liệu cho thấy, kim ngạch nhập khẩu vào Mỹ từ Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2019 tăng 40,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tốc độ nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ được duy trì như mức trên trong cả năm 2019 thì Việt Nam sẽ vượt qua Italy, Pháp, Anh và Ấn Độ, đứng vị trí thứ 7 trong danh sách những nước có kim ngạch xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ.
Không chỉ báo cáo của DBS Bank, số liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ, mà rất nhiều bài viết, những phát biểu, đánh giá của báo chí, nhà quản lý, chuyên gia quốc tế thời gian qua đều cho thấy cái nhìn lạc quan đối với sự tăng trưởng ổn định, dài hạn của kinh tế Việt Nam. Các chuyên gia kinh tế quốc tế cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai sẽ được thúc đẩy bởi lợi thế về cơ cấu dân số, lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, nền chính trị ổn định, năng suất lao động tăng, tạo lực hút đối với dòng vốn nước ngoài.
Đánh giá khách quan của các tổ chức kinh tế quốc tế đều cho thấy lực của nền kinh tế Việt Nam đang lên rất nhanh và Việt Nam thực sự đang là điểm đến hấp dẫn của vốn, của công nghệ, của các nguồn lực kinh tế quốc tế. Tạp chí Nikkei của Nhật Bản cho rằng Việt Nam đang trở thành một trong những nước thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại châu Á, chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu cũng đang đổ về Việt Nam chứng tỏ sức hấp dẫn của kinh tế Việt Nam từ cơ chế chính sách, cho tới sự ổn định. Theo tạp chí này, vốn FDI, doanh nghiệp FDI đổ vào Việt Nam sẽ tạo ra sự sôi động và tạo ra môi trường tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, mở ra những cánh cửa rộng lớn để Việt Nam đưa sản phẩm của mình đến những thị trường lớn nhất thế giới, như: Mỹ, các nước tham gia Hiệp định CPTPP, Trung Quốc, EU.
Nền kinh tế phát triển mang lại nhiều giá trị cho người dân
Trong một diễn biến khác, tăng trưởng kinh tế giúp thu nhập và mức sống của người dân Việt Nam đang ngày càng tốt hơn. Theo công bố vào tháng 3-2019 của Nielsen, một công ty nổi tiếng thế giới về nghiên cứu thị trường, Việt Nam xếp hạng 4 trong các nước lạc quan nhất thế giới về chỉ số niềm tin của người tiêu dùng. Chỉ số niềm tin của người tiêu dùng (CCI) của Việt Nam đang là 122 điểm, cao hơn nhiều so với mức trung bình của khu vực (117 điểm) và thế giới (107 điểm). Kết quả này cho thấy mức độ lạc quan của người tiêu dùng về kinh tế Việt Nam. Người Việt Nam có thu nhập ngày càng tốt hơn nên nhiều người sẵn sàng chi tiền mua ô tô, thiết bị điện tử đắt tiền, mua quần áo thời trang, tham gia các chuyến du lịch trong và ngoài nước, các hoạt động giải trí.
Nền kinh tế Việt Nam đang trong hành trình phát triển và dự báo sẽ "hóa rồng"
Đây là kết quả của những chủ trương, định hướng đúng đắn, những giải pháp của Chính phủ được thực hiện quyết liệt trong thời gian qua nhằm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Thực tế này cùng với những nhận định lạc quan của bạn bè quốc tế cho thấy niềm tin về một nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh chóng, thực sự làm lu mờ những cái nhìn phiến diện, hoài nghi về sự phát triển theo hướng ngày càng bền vững của nền kinh tế Việt Nam.