Ba đột phá chiến lược - trọng tâm phát triển của Việt Nam trong 10 năm tới

Lại Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Đây là những đột phá chiến lược có tính lâu dài, quan trọng trong giai đoạn tới.

Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đang trong quá trình lấy ý kiến toàn Đảng, toàn quân và toàn dân để hoàn thiện. Ba đột phá chiến lược nêu trong Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 là: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; phát triển nhanh nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại, được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.

Trong  Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, xác định ba đột phá chiến lược của Việt Nam trong 10 năm tới. Đó là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội.Tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là những đột phá chiến lược có tính lâu dài, quan trọng trong giai đoạn tới.

Ông Bùi Văn Cường, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, cho rằng: “Cả 3 điều rất quan trọng. Đột phá về nguồn nhân lực, hạ tầng, thể chế. Thể chế để cho làm quản lý nhà nước, xã hội tốt hơn. Vấn đề về nguồn nhân lực để cho năng suất lao động cao hơn và thúc đẩy tăng trưởng và đột phá về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để tạo sự thông thoáng và tạo ra động lực cho phát triển”.

Đột phá về thể chế được xác định là quan trọng nhất trong ba đột phá chiến lược. Đột phá về thể chế để làm sao có thể thu hút và sử dụng tốt nhất các nguồn lực. Đột phá về thể chế để có thể giải quyết tốt vấn đề phân cấp, phân quyền, kiểm soát chặt chẽ quyền lực. Đột phá về thể chế để tiếp tục tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thật sự thông thoáng, lành mạnh.

Ba đột phá chiến lược - trọng tâm phát triển của Việt Nam trong 10 năm tới - ảnh 1

Ông Đỗ Văn Sinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị – Ảnh: Thái Bình/Báo Tin tức

Ông Đỗ Văn Sinh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, nêu ý kiến: “Chúng ta phải rà soát lại tất cả đạo luật để thực hiện được tinh thần của kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường do thị trường điều tiết nên Luật pháp phải làm theo. Thứ hai, phải thực sự minh bạch để tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực. Trong luật phải xác định tạo cơ chế thông thoáng cho thị trường điều tiết.”

Về đột phá nguồn nhân lực, lần này Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, nhấn mạnh nhân lực chất lượng cao, ưu tiên cho lãnh đạo, quản lý, những lĩnh vực trọng yếu. Nguồn nhân lực chất lượng cao gắn liền với nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ và xây dựng phát triển văn hóa; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.

Ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, phân tích: “Chúng ta hiện nay chưa chú trọng đến việc phân loại cán bộ theo từng lĩnh vực, để bố trí cho phù hợp với năng lực. Nguồn nhân lực chất lượng cao vô cùng quan trọng ở chỗ: Chính cái nguồn này là chủ thể sáng tạo ra chính sách, đúng hướng đúng quy luật, bắt nhịp thời đại. Chính nguồn lực này cũng là nguồn lực mà chế định thành các quy tắc xử sự các đạo luật để tổ chức thực hiện. Họ chính là những người mà tổ chức thực hiện tốt nhất, đó là chất lượng nguồn nhân lực. Tôi muốn gửi gắm đến đó là việc lựa chọn Ban chấp hành Trung ương thực sự là trí tuệ, sáng suốt thực sự là tinh hoa của dân tộc mới dẫn dắt được đất nước đi lên”.

Ba đột phá chiến lược - trọng tâm phát triển của Việt Nam trong 10 năm tới - ảnh 2

Ông Lê Thanh Vân, đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau - Ảnh: quochoi.vn

Về đột phá hạ tầng, Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nhấn mạnh một số công trình quốc gia, trọng điểm về giao thông, ứng phó với biến đổi khí hậu nhưng ưu tiên phát triển hạ tầng số để thực hiện chuyển đổi số quốc gia, từng bước xây dựng nền kinh tế số và xã hội số. Theo ông Bùi Thanh Tùng, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, cần tập trung đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo hướng hiện đại, tập trung phát triển hệ thống kết cấu trọng yếu.

“Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cho nền kinh tế. Bởi vì trong tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội nếu chúng ta không có hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ thì nó sẽ gây khó khăn cho sự kết nối, giao thương và tạo điều kiện cho các lĩnh vực kinh tế, xã hội phát triển. Chính vì vậy khâu đột phá và chúng ta cần phải quan tâm đó là chúng ta phải tiếp tục quan tâm đầu tư một cách đồng bộ cơ sở hạ tầng liên quan đến lĩnh vực kinh tế-xã hội” - đại biểu Bùi Thanh Tùng nói.

Thực hiện ba đột phá chiến lược là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng cộng sản Việt Nam. Việc quán triệt sâu sắc nội dung ba đột phá này chính là tăng cường sự lãnh đạo, tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, các ngành để triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong 10 năm tới.

Feedback