ASEAN thống nhất, đoàn kết trong vấn đề Biển Đông

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5)- Trái ngược với những “né tránh” của Bắc Kinh rằng ARF không phải là nơi thích hợp để bàn về Biển Đông, vấn đề này lại trở thành nội dung trọng tâm, được bàn thảo nhiều nhất không chỉ ở các phiên họp, các cuộc gặp chính thức mà ở cả các cuộc tiếp xúc bên lề.

(VOV5)- Hôm nay (6/8), trong khuôn khổ Hội nghị AMM 48 và các hội nghị liên quan tại Kuala Lumpur, Malaysia, khai mạc Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 22. Diễn đàn thảo luận những vấn đề nổi cộm của khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Trái ngược với những “né tránh” của Bắc Kinh rằng ARF không phải là nơi thích hợp để bàn về Biển Đông, vấn đề này lại trở thành nội dung trọng tâm, được bàn thảo nhiều nhất không chỉ ở các phiên họp, các cuộc gặp chính thức mà ở cả các cuộc tiếp xúc bên lề. Đáng chú ý, ASEAN đã có tiếng nói chung mạnh mẽ về vấn đề này.

ARF ra đời tháng 7/1994 tại Bangkok, Thái Lan, với mục tiêu ban đầu là duy trì đối thoại và trao đổi ý kiến về các vấn đề trong lĩnh vực chính trị - an ninh, xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến nay, ARF đã có 27 nước tham gia, gồm 10 nước ASEAN, 10 bên đối thoại của ASEAN và 7 nước khác. Với quy mô và sự tham gia có trách nhiệm của các thành viên, những năm qua, ARF đã góp phần quan trọng vào xây dựng môi trường an ninh khu vực.

ASEAN thống nhất, đoàn kết trong vấn đề Biển Đông - ảnh 1
                                     Khai mạc SOM ASEAN


Biển Đông nóng tại ARF 22

Thời gian gần đây, cùng với các thách thức an ninh khác nổi lên trong khu vực, những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông đã và đang trở thành nội dung trọng tâm của các diễn đàn an ninh trong và ngoài khu vực. Và để tìm một hướng đi chính xác để giải quyết vấn đề Biển Đông thì không thể chối bỏ được tầm ảnh hưởng của ARF.

Còn nhớ, tại Diễn đàn ARF lần thứ 21 tại Myanmar năm 2014, ARF đã thông qua Tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông, trong đó bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những hành động của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Điều đáng nói là mỗi quốc gia ASEAN đều có quan điểm riêng về vấn đề Biển Đông nên việc tất cả các nước thành viên, cả các nước đang có tranh chấp lẫn những nước không có tranh chấp, thống nhất đưa ra một tuyên bố chung như vậy có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện sự đoàn kết trong nội khối ASEAN. Còn tại Diễn đàn ARF năm nay, trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng đảo nhân tạo, xây dựng đường băng tại một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa nằm trong chủ quyền của Việt Nam, vấn đề Biển Đông càng được các thành viên ARF quan tâm.

ASEAN đồng thuận về giải quyết tranh chấp ở Biển Đông  

Vấn đề Biển Đông thậm chí còn nóng ngay từ khi chưa khai mạc Diễn đàn. Trước khi tới dự hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã cảnh báo đưa vấn đề biển Đông ra ASEAN sẽ “phản tác dụng” và “làm gia tăng căng thẳng”. Vấn đề Biển Đông chỉ nên tiến hành các đàm phán song phương. Tuy nhiên, ngay trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM-48) hôm 4/8, Thủ tướng nước chủ nhà Malaysia Najib Razak đã khẳng định rất nhiều vấn đề quốc tế lớn, trong đó có các đòi hỏi chủ quyền chồng lấn là quá phức tạp, từng quốc gia riêng lẻ không thể giải quyết. Dự thảo Tuyên bố chung của các Ngoại trưởng ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đoàn kết nội khối, nhất là trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực, đặc biệt là phải giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Khẳng định của thủ tướng Malaysia cùng với dự thảo Tuyên bố chung của Ngoại trưởng các nước ASEAN cho thấy nước chủ nhà Malaysia nói riêng và ASEAN nói chung không hề có ý định chấp nhận yêu sách của Trung Quốc là AMM-48 không được thảo luận vấn đề Biển Đông. Sự đồng thuận này được đánh giá là bước tiến tiếp theo thể hiện sự gắn bó chặt chẽ và cùng có tiếng nói chung trong các nước ASEAN. Theo giới quan sát, sự gắn kết này sẽ là động lực để tạo nên sức mạnh tập thể, vượt lên thách thức chung

Trung Quốc tiếp tục né tránh tiến trình đi tới COC

Trên thực tế, sự đoàn kết nhất trí của ASEAN từng khiến Trung Quốc bày tỏ sự lo ngại. Điều này được minh chứng hồi tháng 5/2015 khi Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 ra Tuyên bố nêu rõ về những quan ngại về tình hình Biển Đông thì Trung Quốc lập tức có những phản ứng ngay sau đó. Trung Quốc kiên quyết phản đối “những nỗ lực của các nước nhằm làm phương hại đến mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á gồm 10 thành viên”. Hay mới đây, ngay trước thềm hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân tuyên bố, Hội nghị không nên thảo luận vấn đề biển Đông. Tuy nhiên, trước sự đoàn kết nhất trí của ASEAN tại Hội nghị lần này cũng như vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các đối tác bên ngoài, trong một diễn biến mới nhất trước thềm khai mạc Diễn đàn ARF, Trung Quốc tuyên bố nước này đã "dừng" việc cải tạo đất ở Biển Đông. Đồng thời, Bắc Kinh còn khẳng định nhất trí với ASEAN tăng tốc những tham vấn nhằm đi tới một Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).

Từ lâu Bắc Kinh đã tìm mọi cách né tránh và làm chậm tiến trình đàm phán COC trong khi ra sức đẩy mạnh sự hiện diện của họ trên Biển Đông. Tuyên bố của Bắc Kinh, cùng với việc nhất trí thiết lập đường dây nóng trên biển giữa ASEAN và Trung Quốc, tại hội nghị năm nay, một mặt vừa hy vọng có thể giúp tháo ngòi căng thẳng ở Biển Đông, vừa khiến dư luận hoài nghi. Vì thế, ARF lần thứ 22 đang chờ đợi những tín hiệu tích cực mới. 

Feedback