ASEAN đã sẵn sàng hội nhập toàn cầu

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) - Tất cả các nước thành viên ASEAN về cơ bản đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng ASEAN... 

(VOV5) - Ngày 31/12 tới, Cộng đồng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính thức hình thành. Cho đến nay, tất cả các nước thành viên ASEAN về cơ bản đã hoàn thành công tác chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng ASEAN, nỗ lực triển khai các biện pháp nâng cao nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa; hoàn thiện hành lang pháp lý để phù hợp các cam kết trong ASEAN. 

ASEAN đã sẵn sàng hội nhập toàn cầu - ảnh 1

Ngày 22/11/2015 tại Kuala Lumpur đã trở thành ngày lịch sử khi lãnh đạo 10 nước ASEAN nhất trí thông qua Tuyên bố thành lập Cộng đồng ASEAN, khép lại 1 chặng đường 48 năm hình thành và phát triển của ASEAN, mở ra một giai đoạn mới của Hiệp hội. Với việc chính thức ra đời, ASEAN đã trở thành tổ chức khu vực thứ 3 trên thế giới, sau Cộng đồng kinh tế Châu Âu (nay là Liên minh Châu Âu) và Tổ chức thống nhất Châu Phi (nay là Liên minh Châu Phi). Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng ASEAN thành một tổ chức hợp tác liên chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN, nhưng không phải là một tổ chức siêu quốc gia và không khép kín, mà vẫn mở rộng hợp tác với bên ngoài.

Cơ hội và thách thức

Cộng đồng ASEAN ra đời đem đến rất nhiều cơ hội cho các quốc gia thành viên, trước hết là lĩnh vực kinh tế. Cộng đồng ASEAN ra đời với tham vọng biến thị trường hơn 600 triệu dân thành một thị trường chung, một cơ sở sản xuất nhất thể hóa trong đó hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề cao được chu chuyển tự do. Cộng đồng ASEAN sẽ giúp đẩy mạnh sự gắn kết khu vực và tăng cường sức cạnh tranh để đương đầu với những thách thức mới trên thế giới, đặc biệt là trong khu vực, nơi có các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ... Thống kê trong 3 năm liên tiếp gần đây, ASEAN đã thu hút một số lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong bối cảnh dòng vốn FDI trên toàn cầu sụt giảm và tăng trưởng kinh tế toàn cầu không đồng đều. ASEAN hiện trở thành khu vực thu hút nhiều FDI nhất toàn cầu. Việc cải thiện môi trường đầu tư của khu vực, cũng như tiến trình hội nhập của ASEAN tiến tới Cộng đồng hiện nay đã góp phần tạo nên sức hấp dẫn của ASEAN đối với FDI.

Tuy nhiên, bên cạnh đó ASEAN hiện nay cũng bộc lộ nhiều tồn tại. Tồn tại lớn nhất là khoảng cách về trình độ giữa hai nhóm nước ASEAN. Theo các nhà phân tích, điều này  có thể làm chậm quá trình xây dựng một khu vực thương mại mậu dịch tự do của khu vực và gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các cam kết với các đối tác bên ngoài. Ngoài ra, sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia với lợi ích chung của toàn hiệp hội cũng là một tồn tại không nhỏ.

Chuẩn bị sẵn sàng

Nhận thức được những thách thức đi kèm với cơ hội to lớn mà Cộng đồng ASEAN sẽ mang lại, các thành viên ASEAN cũng triển khai nhiều biện pháp cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của từng nước để có thể phát huy được thế mạnh của mình một khi hòa mình vào Cộng đồng lớn hơn. Ví dụ, Singapore đề cao vai trò của trung tâm nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp, Mianmar và Philippines chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thái Lan trong khi đó vẫn đang đẩy mạnh cải cách hệ thống hạ tầng cơ sở dịch vụ, thương mại và đầu tư, thực hiện hiệu quả chương trình “Một cửa sổ quốc gia”, “Một cửa sổ ASEAN”, phát triển mạng lưới an sinh xã hội. Campuchia tập trung phát triển chính sách thương mại mở cửa để thu hút đầu tư, nới lỏng luật đầu tư và luật sở hữu. Luật của Campuchia mới đây cũng cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu 100% cổ phần các công ty trong các đặc khu kinh tế so với tỷ lệ 70% tại một số nước ASEAN. Đẩy mạnh việc cải cách cơ cấu kinh tế trong nước với tốc độ phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế ASEAN. Việt Nam tăng cường thuận lợi hóa thương mại thông qua triển khai hải quan điện tử, cơ chế một cửa, cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá hệ thống các giấy phép, giấy chứng nhận, hướng tới tự do hóa dịch vụ. Việt Nam cũng tiến hành sửa đổi một số Luật liên quan như Luật đầu tư, Luật Thương mại, Luật doanh nghiệp, nhằm phù hợp với các cam kết trong ASEAN.

Cùng với nỗ lực của từng nước thành viên, Ban thư ký ASEAN đã xây dựng Bản Kế hoạch chi tiết cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN”, với lịch trình thực hiện 45 nội dung then chốt ở tất cả các ngành kinh tế chủ đạo nhằm theo đuổi mục tiêu tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư và các lĩnh vực khác. Tất cả những sự chuẩn bị này đảm bảo Cộng đồng ASEAN vận hành đúng tiến độ, hiệu quả, mang lại những lợi ích thiết thực cho cả khối nói chung và từng nước nói riêng cũng như góp phần vào sự phát triển, thịnh vượng toàn cầu.

Feedback