Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 đang diễn ra tại San Francisco, Hoa Kỳ, từ 15-17/11. Là nơi thúc đẩy các chính sách kinh tế ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đẩy mạnh thương mại và đầu tư tự do, công bằng và cởi mở, APEC 2023 đã chứng kiến những cam kết mạnh mẽ theo hướng đổi mới hơn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện, trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều biến động.
Banner về tuần lễ cấp cao APEC 2023 trên đường phố San Francisco, Hoa Kỳ. Ảnh: AP |
Với chủ đề "Tạo dựng một tương lai tự cường và bền vững cho tất cả mọi người”, hội nghị, có sự tham gia của các nhà lãnh đạo, quan chức chính phủ, giám đốc điều hành doanh nghiệp và học giả đến từ 21 nền kinh tế thành viên APEC, hướng tới mục tiêu xây dựng một khu vực APEC mang tính liên kết, đổi mới và bao trùm hơn.
Tư duy mới, cách làm mới trước những yêu cầu mới
Hội nghị diễn ra vào thời điểm kinh tế thế giới đang gặp nhiều thách thức. Kinh tế thế giới chưa hồi phục sau đại dịch COVID-19 lại tiếp tục ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột ở nhiều khu vực khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm. Khoảng cách giàu nghèo gia tăng và biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, xu thế bảo hộ, phân tách lại gia tăng mạnh mẽ. Mặc dù khoa học - công nghệ phát triển nhanh, với sức ảnh hưởng lan rộng toàn cầu nhưng khuôn khổ thể chế vẫn cơ bản giới hạn ở tầm quốc gia. Việc huy động nguồn lực cho các mục tiêu phát triển bền vững hạn chế.
Tất cả những thách thức này đòi hỏi mỗi nền kinh tế khó có thể tự giải quyết mà cần phải hợp tác ở tầm khu vực và toàn cầu. Tăng trưởng kinh tế dựa vào tiêu dùng, khai thác tài nguyên cần được thay thế bằng mô hình kinh tế tuần hoàn, bền vững hơn. Hợp tác không chỉ hướng đến cắt giảm khí thải, chuyển đổi năng lượng sạch, mà cần tạo điều kiện để tất cả các nền kinh tế mở rộng quy mô nền kinh tế và thu hẹp khoảng cách phát triển. Cùng với đó, cần phải duy trì nền kinh tế thế giới mở, xóa bỏ bảo hộ và các rào cản thương mại, xây dựng hệ thống quản trị kinh tế toàn cầu minh bạch, bình đẳng, bảo đảm cân bằng lợi ích của tất cả các thành viên dù lớn hay nhỏ, phối hợp chặt chẽ để tăng cường khả năng ứng phó trước các cuộc khủng hoảng.
APEC phải làm sao đóng vai trò tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng những quy định, tiêu chuẩn chung tính đến trình độ phát triển của mỗi quốc gia, bảo đảm tất cả mọi người dân đều phải được hưởng lợi từ tiến bộ khoa học - công nghệ. Bên cạnh đó, cần ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm. Yêu cầu cấp thiết là phải huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn tài chính công, tư.
Nhiều tín hiệu tích cực từ APEC 2023 gửi tới thế giới
Tận dụng vai trò của APEC 2023 với tư cách là vườn ươm các ý tưởng, tại Hội nghị lần này, trong chương trình nghị sự, chủ nhà Hoa Kỳ đã đặt trọng tâm ưu tiên, tập trung vào các vấn đề kinh tế, bao gồm: phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng công bằng, hình thành nền kinh tế kỹ thuật số, trao quyền kinh tế cho phụ nữ, thuận lợi hóa thương mại, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và y tế, giảm lượng khí thải carbon… Bộ trưởng thương mại 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng nhất trí mở cửa cho các thành viên mới gia nhập.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các Nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
Điểm nổi bật và được coi là tín hiệu tích cực tại Hội nghị APEC năm nay là cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và Mỹ. Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, cuộc đối thoại giữa Trung Quốc và Mỹ, đạt tiến triển trong hàng loạt vấn đề, như: hợp tác chống biến đổi khí hậu, ma túy, trí tuệ nhân tạo…, không chỉ tác động đến sự phát triển trong tương lai của hai bên, mà hiệu ứng lan tỏa của nó sẽ ảnh hưởng tới tất cả các nền kinh tế trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu. APEC 2023 cũng chứng kiến các cuộc gặp song phương của các lãnh đạo nền kinh tế thành viên với nhiều cam kết hợp tác cụ thể, như Nhật-Hàn thống nhất mở các cuộc đối thoại kinh tế cấp cao định kỳ nhằm nâng cao hiệu quả của hợp tác ở kinh tế xanh và y tế; Trung Quốc và Nhật Bản nhất trí thiết lập cơ chế đối thoại về kiểm soát xuất khẩu…
Trong 30 năm qua, dưới cơ chế hợp tác APEC, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành một cực tăng trưởng quan trọng của kinh tế thế giới. Một trong những yếu tố dẫn đến thành công đó là tập trung vào các vấn đề phát triển kinh tế, thúc đẩy tự do hóa thương mại. Hội nghị APEC 2023 cùng một số tín hiệu tích cực đạt được bước đầu, đã giúp khôi phục, củng cố niềm tin vào tự do thương mại và đầu tư, đặt nền móng cho các thoả thuận hợp tác quan trọng trên chặng đường mới, cùng hướng tới mục tiêu xây dựng một tương lai bền vững