APEC 2017 với vấn đề phòng, chống tham nhũng

Ánh Huyền và Thái Bình (VOV miền Trung)
Chia sẻ
(VOV5) - Vấn đề phòng chống tham nhũng và minh bạch hóa là mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia và đây cũng là một nội dung bàn thảo trong khuôn khổ các cuộc họp của Hội nghị các quan chức cấp cao APEC lần thứ 1 (SOM1), diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, các sáng kiến về tăng cường sự tham gia của xã hội vào phòng chống tham nhũng của nước chủ nhà Việt Nam nhận được sự tán thành của các đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên.

(VOV5) - Vấn đề phòng chống tham nhũng và minh bạch hóa là mối quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia và đây cũng là một nội dung bàn thảo trong khuôn khổ các cuộc họp của Hội nghị các quan chức cấp cao APEC lần thứ 1 (SOM1), diễn ra tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Tại đây, các sáng kiến về tăng cường sự tham gia của xã hội vào phòng chống tham nhũng của nước chủ nhà Việt Nam nhận được sự tán thành của các đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên.


APEC 2017 với vấn đề phòng, chống tham nhũng - ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ trao đổi với các đại biểu Nhóm công tác phòng chống tham nhũng và minh bạch hóa


Tham nhũng là loại tội phạm không biên giới. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu sôi động hiện nay, tội phạm tham nhũng có thể đe dọa sự ổn định an ninh xã hội, xâm phạm các thể chế và các giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức, công lý, cản trở sự phát triển bền vững và nguyên tắc nhà nước pháp quyền. Tham nhũng không chỉ gây trở ngại cho các hoạt động của nền kinh tế vĩ mô, mà còn làm giảm đáng kể các nguồn đầu tư của nước ngoài. Bởi vậy, với mỗi quốc gia, công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cấp bách. 

Thúc đẩy sự tham gia của xã hội trong phòng chống tham nhũng

Chính vì vậy, Hội thảo thúc đẩy vai trò xã hội trong phòng chống tham nhũng, một hoạt động lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ APEC do Việt Nam sáng kiến chủ trì, đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của các đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên. Các tham luận tại Hội thảo này giúp các thành viên APEC có cái nhìn tổng quan về các nỗ lực nhằm góp phần đẩy lùi tham nhũng, thúc đẩy phát triển nền kinh tế lành mạnh, liêm chính. 

Tại hội thảo này, đại diện Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam, cho rằng tăng cường sự tham gia của xã hội vào phòng chống tham nhũng, thúc đẩy sự tham gia của người dân, doanh nghiệp vào việc phòng chống tham nhũng sẽ góp phần tạo môi trường kinh doanh, đầu tư lành mạnh, trong sạch: "Thúc đẩy vai trò của người dân và cộng đồng doanh nghiệp, gắn với mục tiêu rất quan trọng của APEC là làm sao thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên, cho nên làm sao môi trường kinh doanh nó minh bạch, lành mạnh. Đó là mong đợi chung của tất cả các bên có liên quan".

Đồng tình với quan điểm của Phó Tổng thanh tra chính phủ Nguyễn Văn Thanh, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ khẳng định ở Việt Nam, chính phủ Việt Nam đang rất nỗ lực trong cuộc chiến chống loại tội phạm này mà mới nỗ lực mới nhất là tiến tới thành lập bộ phận chuyên trách tiếp nhận thông tin liên quan đến tham nhũng. Cụ thể là bộ phận này chuyên tiếp nhận các nguồn tin về các hành vi có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, nhằm tăng cường phát hiện các hành vi tham nhũng và xử lý vụ việc tham nhũng: "Việc thành lập bộ phận này có đầy đủ quy chế, nhiệm vụ không chỉ liên quan đến tặng quà, nhận quà mà còn để tiếp nhận thông tin về phòng chống tham nhũng nói chung. Bộ phận này thu thập, tổng hợp mọi nguồn thông tin để từ đó có hướng xử lý kịp thời".

Thúc đẩy cam kết phòng chống tham nhũng trong APEC

Trong bối cảnh hiện nay, đấu tranh phòng, chống tham nhũng không chỉ là của riêng của Nhà nước, của riêng Chính phủ nào mà là nhiệm vụ chung của toàn xã hội. Với sáng kiến lần đầu tổ chức Hội thảo thúc đẩy vai trò xã hội trong phòng chống tham nhũng trong khuôn khổ APEC, Việt Nam mong muốn đóng góp tích cực thúc đẩy các cam kết phòng chống tham nhũng trong APEC đã được các nhà lãnh đạo APEC thông qua trước đó như Chương trình hành động chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch APEC 2004, Cam kết Santiago về Chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch 2004, Tuyên bố Bắc Kinh 2014 và Tuyên bố Manila 2015. Ông Phan Văn Sáu, Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định: "Kết quả của Hội thảo sẽ là đầu vào của Nhóm công tác của phòng chống tham nhũng và đảm bảo minh bạch của APEC. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng các văn bản mang tính chất định hướng hay cam kết để đảm bảo sự tham gia hiệu quả, an toàn của xã hội, trong đó có doanh nghiệp vào phòng chống tham nhũng trong thời gian tới".

Sáng kiến về tăng cường sự tham gia của xã hội vào phòng chống tham nhũng của nước chủ nhà Việt Nam tại chương trình nghị sự của Hội nghị APEC lần này sẽ góp thêm  hành động cụ thể để các thành viên của APEC tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy thực hiện hiệu quả các cam kết phòng chống tham những, thúc đẩy hợp tác quốc tế để loại bỏ nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ có hành vi tham nhũng và tăng cường hành động tập thể nhằm chống buôn lậu và xóa bỏ các mạng lưới bất hợp pháp xuyên quốc gia trên toàn khu vực.

Feedback