APEC 2017 kiên định mục tiêu Bogor và vai trò kết nối của Việt Nam

Ánh Huyền
Chia sẻ
(VOV5) -Mục tiêu Bogor xác định APEC là một khu vực tự do và mở cửa về thương mại và đầu tư vào năm 2010 đổi với các nền kinh tế phát triển và năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. 

Việc đặt ra mục tiêu Bogor của Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) là dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của tổ chức này.

Trong suốt hơn hai thập kỉ qua, APEC đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng về tự do hoá thương mại và đầu tư, thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau. Trước xu thế toàn cầu hóa và xu thế bảo hộ thương mại đang gia tăng, hơn lúc nào hết để hoàn thành mục tiêu Bogor cần sự quyết tâm lớn từ các nền kinh tế thành viên APEC.

APEC 2017 kiên định mục tiêu Bogor và vai trò kết nối của Việt Nam - ảnh 1Để APEC có thể kiên định mục tiêu Bogor cần ý chí chính trị vững vàng của các Nhà Lãnh đạo cấp cao cũng như niềm tin, sự đồng thuận giữa các nhóm trong xã hội. 

Mục tiêu Bogor được thông qua từ Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 2 vào năm 1994, tại Bogor, Indonesia, theo đó xác định APEC là một khu vực tự do và mở cửa về thương mại và đầu tư vào năm 2010 đổi với các nền kinh tế phát triển và năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. Mục tiêu này trở thành định hướng cho hợp tác APEC đến năm 2020 và đưa APEC trở thành một khu vực tự do hóa thương mại và đầu tư hàng đầu trên thế giới.

Tốc độ tự do hoá thương mại ấn tượng

Trong suốt hơn 2 thập kỉ qua, APEC đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng về tự do hoá thương mại và đầu tư, thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau. Theo “Báo cáo đánh giá giữa kỳ về tiến độ thực hiện mục tiêu Bogorđược APEC công bố năm 2016, mức độ tự do hoá thương mại và đầu tư, mở cửa thị trường hiện nay của APEC đã vượt xa rất nhiều so với thời điểm mục tiêu Bogor được đưa ra. Mức độ mở cửa cao về thương mại và đầu tư, cũng như chú trọng tạo thuận lợi cho thương mại đã đưa APEC trở thành một trong những khu vực năng động nhất thế giới, đóng góp quan trọng cho sự thịnh vượng chung của khu vực, góp phần xoá đói giảm nghèo, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Tiến sĩ Trần Việt Thái, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu APEC Việt Nam, cho rằng:

Nhiều rào cản về thuế quan, hành chính được dỡ bỏ, nhiều tiêu chuẩn được hợp nhất và nâng cao. Nhiều chương trình hợp tác kỹ thuật được định hình đã giúp cho các nền kinh tế hội nhập và liên kết ngày càng tốt hơn, hình thành các chuỗi cung ứng, các chuỗi sản xuất, góp phần đưa các doanh nghiệp xích lại gần nhau.

Mức độ tự do hoá sâu rộng của APEC còn thể hiện ở sự gia tăng nhanh chóng các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các hiệp định thương mại khu vực (RTA). Nói cách khác, APEC chính là chất xúc tác cho ra đời rất nhiều hiệp định thương mại. Trong khoảng 20 năm qua, từ năm 1996-2016, số lượng các FTA/RTA đi vào thực thi trong APEC tăng từ 22 lên 152.

Bên cạnh đó, APEC có thể xem là nơi để những sáng kiến, những ý tưởng về hội nhập gắn với phát triển ra đời. Thêm vào đó, mặc dù là một diễn đàn kinh tế, song trong khuôn khổ APEC, việc các lãnh đạo, quan chức trong khu vực đối thoại ở diễn đàn góp phần vào việc đảm bảo ổn định an ninh chính trị của khu vực, hướng tới mục tiêu vì sự thịnh vượng chung của khu vực. Có thể nói, mục tiêu Bogor là yếu tố truyền cảm hứng và đưa APEC đến được với vị trí và uy tín hiện nay.

APEC 2017 quyết tâm đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu Bogor

Tuy nhiên, các thành viên APEC đang đứng trước những thách thức không nhỏ để hoàn thành mục tiêu Bogor đúng hạn trong vòng 3 năm tới khi bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay đã khác xa so với thời điểm mục tiêu Bogor được đề ra.

Tiếp tục đưa việc “đẩy nhanh hoàn thành mục tiêu Bogor” là một trong những ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự của APEC năm 2017. Dưới vai trò chủ nhà APEC 2017, Việt Nam tích cực cùng các thành viên triển khai những sáng kiến nhằm giải quyết những rào cản tồn tại, tạo vai trò gắn kết trong APEC nhằm hướng tới thực hiện thành công mục tiêu Bogor vào năm 2020. Ông Ken Waller, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu APEC Australia, cho rằng:

Việt Nam đã làm rất tốt vai trò chủ nhà APEC. Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận rất hiệu quả, chương trình nghị sự, các chủ đề và nội dung ưu tiên rất rõ ràng và là mối quan tâm chung của tất cả các nước thành viên. Tôi cho rằng công việc Việt Nam làm năm nay trên vai trò chủ tịch APEC 2017 rất hiệu quả.

Chủ đề “Tạo động lực cùng vun đắp tương lai chung” được cụ thể hóa bằng 4 ưu tiên hợp tác, đặc biệt là vấn đề tăng trưởng bao trùm, một trong những ưu tiên hợp tác APEC hàng đầu trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chưa vững chắc và bất bình đẳng gia tăng, tạo hứng khởi cho các đại biểu các nền kinh tế thành viên. Ông Don Campell, Chủ tịch Hội đồng hợp tác kinh tế APEC, cho rằng:

"Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề tăng trưởng từ quan điểm bao trùm. Chúng ta cần đảm bảo rằng tăng trưởng trong thế kỷ 21 là bền vững, chúng ta cần rất quan tâm đến môi trường, biến đổi khí hậu, phải đảm bảo các kết quả chúng ta đạt được là có ích cho môi trường, cho sức khỏe và thịnh vượng kinh tế. Rõ ràng chúng ta không ai nói trước được tương lai sẽ ra sao. Nhưng nếu nhìn vào những nước đang tăng trưởng mạnh mẽ như Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia có thể tin tưởng rằng APEC sẽ tăng trưởng mạnh sẽ tiếp tục trong 20 – 30 năm nữa.

Để APEC có thể kiên định mục tiêu Bogor cần ý chí chính trị vững vàng của các Nhà Lãnh đạo cấp cao cũng như niềm tin, sự đồng thuận giữa các nhóm trong xã hội như doanh nghiệp, người lao động, người dân về những lợi ích của tự do thương mại, mà quan trọng nhất là động lực của tăng trưởng và ổn định đã phần nào được chứng thực trong hơn hai thập kỉ qua. APEC 2017 tại Việt Nam đã và đang thúc đẩy tạo dựng niềm tin này.

Feedback