(VOV5)- Nỗi lo về an ninh tại Afghanistan luôn là vấn đề quan ngại đối với cộng đồng quốc tế kể cả khi quân Mỹ và Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) đang có mặt ở quốc gia Nam Á này. Khi liên quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự kiến rút hoàn toàn khỏi vũng lầy Afghanistan vào năm 2014, thì câu hỏi đó lại dấy lên hơn bao giờ hết, nhất là khi thời gian gần đây, các vụ đánh bom, tấn công khủng bố do tàn quân Taliban và các phần tử khủng bố Al-Qaeda tiến hành đang tăng dần cả về số lượng lẫn quy mô, gây thiệt hại đáng kể cho người dân ở quốc gia này.
Nỗi lo về an ninh tại Afghanistan luôn là vấn đề quan ngại với cộng đồng quốc tế - Ảnh: AP
Không phải ngẫu nhiên, ngày 8/10, Nhóm nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (ICG) công bố báo cáo với nhan đề: "Afghanistan: Chặng đường dài gian nan tới thời kỳ chuyển tiếp 2014" đã đưa ra nhận định rằng, chính phủ Kabul có nguy cơ sụp đổ sau khi NATO rút quân khỏi nước này vào năm 2014, đặc biệt trong trường hợp có gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra cùng năm. Trước đó, ngày 7/10, Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Carnegie cũng đưa ra cảnh báo đáng lo ngại rằng, Taliban sẽ trở lại nắm quyền tại Afghanistan sau năm 2014. Từ thực tế những gì đang diễn ra ở quốc gia này, các nhà nghiên cứu, phân tích đã đưa ra kết luận như vậy.
Trước hết về an ninh, trong một động thái mới, ngày 8/10, ít nhất 2 người, đều là sĩ quan tình báo Afghanistan, bị thiệt mạng và 7 người khác bị thương trong một vụ đánh bom xe ở tỉnh Helmand Fareed Ahmed, miền Nam nước này. Trước đó, một vụ đánh bom liều chết đã xảy ra nhằm vào đoàn tuần tra chung của NATO và Afghanistan ở thành phố Khost miền Đông Afghanistan, làm ít nhất 13 người (trong đó có 3 lính NATO, 4 lính Afghanistan, 6 dân thường) thiệt mạng và 40 người bị thương. Các vụ đánh bom, tấn công nhằm vào binh lính liên quân, đã nâng tổng số lính Mỹ thiệt mạng ở chiến trường khốc liệt này lên con số 2.000 người. Bên cạnh các cuộc tấn công của phiến quân, binh sĩ Mỹ nói riêng và lực lượng liên quân ở Afghanistan nói chung đang phải đối mặt với làn sóng “tấn công nội bộ”, nghĩa là chính thành viên các lực lượng an ninh Afghanistan như quân đội và cảnh sát, thực hiện các vụ tấn công nhằm vào binh sĩ Mỹ và liên quân.
Còn nhớ, hồi tháng 9/2012, ISAF đã phải tạm đình chỉ chương trình huấn luyện tân binh Afghanistan sau khi xảy ra hàng loạt vụ tấn công của binh sĩ và cảnh sát Afghanistan nhằm vào binh sĩ liên quân. Theo thống kê, kể từ khi cuộc chiến này bùng nổ (ngày 7/10/2001), đến nay đã có hơn 2.000 binh sĩ Mỹ và khoảng 1.190 binh sĩ thuộc các quốc gia khác tham gia lực lượng liên quân ở Afghanistan thiệt mạng. Bên cạnh đó là những thiệt hại không thể nêu hết, những hệ lụy mà người dân Afghanistan phải gánh chịu. Theo Liên hợp quốc, tính từ năm 2007 đến hết tháng 8/2012, đã có 13.431 dân thường Afghanistan thiệt mạng trong cuộc chiến tranh trên quê hương họ. Nếu tính từ khi Mỹ đưa quân đến Afghanistan, châm ngòi cho cuộc chiến thì con số này lên đến hơn 20.000 người. Nhưng thực tế còn đen tối hơn nhiều so với những số liệu được công bố. Mặc dù hơn 130 nghìn binh lính được triển khai trên khắp đất nước Afghanistan nhưng chưa lúc nào, kể từ khi đưa quân vào chiến trường này năm 2001, NATO có thể chấm dứt được sự nổi dậy của quân Taliban. Cơn ác mộng đối với tương lai của Afghanistan là hệ quả tất yếu của sự thất bại về chiến lược của NATO do Mỹ đứng đầu.
Trong khi đó, trên phương diện kinh tế - xã hội, Afghanistan đang trong quá trình tiến tới một đợt bầu cử mới sau cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội gây nhiều tranh cãi vào năm 2009 và 2010. Tuy nhiên, thay vì tìm cách làm cho người dân tin vào hệ thống chính trị nhằm thiết lập sự ổn định lâu dài, Tổng thống Hamid Karzai và nội các của ông đang tìm cách lập một liên minh tạm thời để níu giữ quyền lực, chính điều này sẽ khơi mào cho cuộc đấu chính trị có thể biến thành bạo lực sau khi NATO rút đi.
Còn với người dân Afghanistan, hơn 10 năm khi Mỹ và phương Tây tiến đánh để lật đổ chế độ Taliban tại Afghanistan, cuộc sống của họ ngày một bi đát hơn. Trong một nghiên cứu gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, sau năm 2014, ngân sách hàng năm của Afghanistan sẽ thiếu khoảng 7 tỷ USD. Quân đội của nước này chắc chắn sẽ không thể chiến đấu nếu không có tiền trợ giúp từ nước ngoài. Một thực tế đáng buồn là Afghanistan đã và đang trở thành trung tâm sản xuất, phân phối và tiêu thụ ma túy của thế giới. Chiến tranh, xung đột đã làm quốc gia này kiệt quệ. Theo ước tính, hiện nay, Afganistan cần thêm khoảng 10 tỷ USD để hoàn thành quá trình xây dựng đất nước như việc đẩy mạnh khai thác mỏ và mở rộng xuất khẩu...
Cuộc chiến ở Afghanistan dường như chưa có điểm dừng. Tuy nhiên, điều này lại không được các nhà lãnh đạo NATO thừa nhận mà vẫn quả quyết rằng quân đội Afghanistan đủ vững mạnh để chống lại các cuộc nổi dậy. Thực tế đó có thể lý giải cho nguyên nhân của Afghanistan hiện nay. Dư luận cho rằng, viễn cảnh mà Mỹ và phương Tây khi tiến quân chinh phạt lực lượng Taliban và Al-Qaeda ở quốc gia này để xây dựng một nền dân chủ thật sự vẫn còn ở đâu đó xa vời. Điều mà người ta thấy, đó là cuộc sống của người dân Afghanistan ngày một bi đát hơn với nhiều tai họa rình rập, lo sợ./.