Trong khuôn khổ các chương trình của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 diễn ra ngày 26/06 với hình thức trực tuyến và thành công tốt đẹp. Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã ra Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 với một số nội dung chính.
Ảnh minh họa: chinhphu
|
Theo Tuyên bố Chủ tịch, các Lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh tăng cường đoàn kết, hợp tác và thống nhất, hội nhập kinh tế, nâng cao nhận thức và bản sắc ASEAN, nâng cao năng lực chủ động thích ứng của ASEAN. Các Lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì một cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dựa trên luật lệ với ASEAN đóng vai trò trung tâm và nhất trí tiếp tục thúc đẩy sự gắn kết giữa các cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt.
Về xây dựng Cộng đồng ASEAN, các Lãnh đạo cam kết thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, hướng tới một Cộng đồng ASEAN đoàn kết, hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, dựa trên luật lệ, gắn kết và bản sắc, duy trì vai trò trung tâm, gắn kết với các đối tác bên ngoài. Khẳng định cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, các Lãnh đạo nhấn mạnh giải quyết hòa bình các tranh chấp mà không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, phù hợp với các nguyên tắc được thừa nhận phổ biến của luật pháp quốc tế.
Ghi nhận các ưu tiên chính trong năm 2020, các Lãnh đạo đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn các Lãnh đạo ASEAN về một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, thể hiện cam kết mạnh mẽ của ASEAN nhằm duy trì đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN trong khi nâng cao năng lực của ASEAN trong việc nắm bắt các cơ hội và giải quyết hiệu quả các thách thức đang nổi lên.
Về Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN, lãnh đạo các nước ASEAN cam kết tăng cường hợp tác quản lý biên giới, tăng cường hợp tác trong phòng chống ma túy. Các Lãnh đạo đề nghị sự tham gia của cả 3 trụ cột trong hỗ trợ nâng cao năng lực cho Timor-Leste, sớm đánh giá việc Timor-Leste xin gia nhập ASEAN.
Về Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các Lãnh đạo cam kết đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, cân bằng, toàn diện và bảo vệ nền kinh tế trước những rủi ro và bất ổn toàn cầu; cam kết duy trì thị trường mở, phối hợp thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu các tác động kinh tế của dịch bệnh COVID-19; nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường thương mại và đầu tư nội khối ASEAN, vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong các nỗ lực phục hồi sau đại dịch.
Về Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, các Lãnh đạo cam kết xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết hơn, đem lại nhiều lợi ích hơn cho người dân ASEAN, không bỏ ai lại phía sau trong phát triển toàn diện và bền vững.
Về quan hệ đối ngoại của ASEAN, các Lãnh đạo ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp và hợp tác khu vực và quốc tế với các đối tác bên ngoài và các tổ chức quốc tế để xử lý các thách thức của đại dịch COVID-19 và các tình huống khẩn cấp về y tế cộng đồng khác.
Về các vấn đề quốc tế và khu vực, các nhà Lãnh đạo khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và đảm bảo Biển Đông là một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Các Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, sớm xây dựng COC hiệu quả và thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế. Các Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phi quân sự hóa và tự kiềm chế trong việc thực hiện mọi hoạt động của các bên yêu sách và tất cả các quốc gia khác có thể làm phức tạp thêm tình hình và leo thang căng thẳng ở đây.