ASEAN thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và an ninh trong khu vực - Việt Nam chủ động đóng góp tích cực

Phạm Hà/ VOV - Indonesia
Chia sẻ
(VOV5) - Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn khu vực và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Hôm nay (15/11), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 17 (ADMM-17), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ 10 và các hội nghị liên quan diễn ra tại Jakarta, Indonesia.

ASEAN thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và an ninh trong khu vực - Việt Nam chủ động đóng góp tích cực - ảnh 1Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM) lần thứ 17. Ảnh: VOV

Hội nghị ADMM-17 đã nghe báo cáo về kết quả Hội nghị quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM) và thông qua Kế hoạch hoạt động ADMM giai đoạn 2023-2026. Hội nghị cũng thông qua các văn kiện/sáng kiến mới trong ADMM.

Đặc biệt, Hội nghị thông qua “Tuyên bố chung Jakarta của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN vì hòa bình, thịnh vượng và an ninh”. Tuyên bố chung ghi nhận sự phức tạp của những mối đe dọa và thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống. Sự chuyển dịch địa chính trị và địa chiến lược trong khu vực và tác động của cạnh tranh nước lớn có thể ảnh hưởng đến an ninh và thịnh vượng của ASEAN. Tuyên bố chung nêu rõ tầm quan trọng của việc tuân thủ các nguyên tắc và mục tiêu cơ bản được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc (UN), Hiến chương ASEAN, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tiến trình Bali, cũng như việc tuân thủ luật pháp quốc tế và duy trì hòa bình, thịnh vượng và an ninh trong khu vực.

ASEAN thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và an ninh trong khu vực - Việt Nam chủ động đóng góp tích cực - ảnh 2Đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng Việt Nam, do Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tham dự Hội nghị. Ảnh: VOV

Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an toàn khu vực và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; theo đuổi các biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thực hành kiềm chế các hoạt động và tránh các hành động có thể làm phức tạp hoặc gia tăng căng thẳng và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Cần thiết sớm hoàn tất một Bộ quy tắc ứng xử  ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS năm 1982 trong khi thực hiện một cách đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử ở Biển Đông (DOC). Qua đó, hoan nghênh các biện pháp xây dựng lòng tin hiện tại, như: Bộ quy tắc cho Va chạm bất ngờ trên biển, Hướng dẫn Tương tác Máy bay quân sự, Hướng dẫn Tương tác trên biển, Cơ sở hạ tầng liên lạc trực tiếp ASEAN và các hoạt động trong khuôn khổ DOC nhằm thúc đẩy thông tin liên lạc, lòng tin và sự tin cậy lẫn nhau cũng như giảm căng thẳng và nguy cơ xảy ra va chạm, hiểu nhầm hay những tính toán sai lầm trên không và trên biển.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu, tham dự kỳ hội nghị lần này nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN nói chung, trong hợp tác kênh quốc phòng-quân sự ASEAN nói riêng, góp phần thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong ASEAN, cũng như giữa ASEAN với các đối tác ngày càng thực chất và hiệu quả.

Feedback