ASEAN 2020: Thúc đẩy hợp tác ASEAN trong phòng, chống dịch COVID-19

Chia sẻ
(VOV5) -  Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo cùng nhau đề ra các biện pháp, sáng kiến cụ thể, thúc đẩy hơn nữa hợp tác phòng, chống dịch bệnh

Ngày 14/4, Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh COVID-19 diễn ra dưới hình thức họp trực tuyến, với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch ASEAN+3. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo cùng nhau đề ra các biện pháp, sáng kiến cụ thể, thúc đẩy hơn nữa hợp tác phòng, chống dịch bệnh đồng thời bảo đảm sự phát triển năng động, bền vững của khu vực về dài hạn.    

Trước thềm hai Hội nghị này, Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi cho rằng việc tổ chức các sự kiến cho thấy cam kết quả ASEAN trong việc cụ thể hóa sức mạnh tổng hợp của các bên liên quan cũng như sự lãnh đạo của ASEAN và các nước đối tác ASEAN+3 trong việc thúc đẩy sự ứng phó khu vực nhằm bổ trợ cho phản ứng cấp quốc gia và địa phương trong việc chống lại dịch Covid-19. Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đánh giá cao sự phối hợp giữa các nước và vai trò Chủ tịch tích cực của Việt Nam trong quá trình đối phó với dịch bệnh Covid-19 thời gian qua.

Theo nhận định của các chuyên gia Australia, bối cảnh dịch Covid-19 đang đặt ra những thách thức rất lớn đối với ASEAN song cũng là thời điểm để Việt Nam, Chủ tịch ASEAN, thể hiện vai trò lãnh đạo, thúc đẩy sự phối hợp, hợp tác giữa các các nước thành viên và với các nước đối tác nhằm giúp khu vực đối phó hiệu quả với Covid-19. Tiến sỹ Malcolm Cook, Chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) có trụ sở tại Singapore, nhận định: Tôi cho rằng Việt Nam có 3 lợi thế khi làm Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng. Thứ nhất đó là chính phủ Việt Nam có đủ năng lực để làm Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh phải đối phó với Covid-19. Thứ hai, Việt Nam từng là một quốc gia nghèo ở lục địa Đông Nam Á vì vậy các quốc gia trong khu vực này có thể nhìn vào trường hợp của Việt Nam. Cuối cùng vào thời điểm hiện tại, khi Việt Nam chưa bị Covid-19 tác động quá nhiều nếu so sánh với một số quốc gia trong khu vực thì chính phủ Việt Nam có nhiều cơ hội để tập trung vào vai trò và trách nhiệm của Chủ tịch ASEAN.

Nhật Bản, đối tác quan trọng của ASEAN, cũng đánh giá đánh giá cao Việt Nam với tư cách Chủ tịch ASEAN. Ông Asano Katsuhito, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, cho rằng: Việc Việt Nam chủ trì Hội nghị trực tuyến phản ánh vai trò quan trọng và thích hợp nhất trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 hiện nay. Chính phủ Việt Nam đã đưa ra được những biện pháp chống dịch nhanh nhất, hiệu quả nhất. Những biện pháp của chính phủ Việt Nam mà đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc chiến đấu với dịch Covid-19 thực sự là hình mẫu của các nước khác.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào ông Thongphane Savanphet đánh giá cao vai trò của Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020 trong dẫn dắt và thúc đẩy tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN. Thứ trưởng Thongphane Savanphe nhấn mạnh mặc dù ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt và thúc đẩy tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, tập trung vào vai trò trung tâm của ASEAN, đặc biệt là trong quan hệ đối ngoại với các đối tác và các tổ chức quốc tế.

ASEAN 2020: Thúc đẩy hợp tác ASEAN trong phòng, chống dịch COVID-19 - ảnh 1

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh COVID-19 diễn ra dưới hình thức họp trực tuyến, với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN và Chủ tịch ASEAN+3. Ảnh: VGP

Ông Grigory Lokshin, Cán bộ nghiên cứu khoa học cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN, Viện Viễn Đông, Viện Hàn Lâm khoa học Nga, cho rằng: Đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN, Việt Nam ngay lập tức bắt đầu các hành động tích cực để đoàn kết các nước ASEAN và huy động các nỗ lực chung để chống lại đại dịch, đồng thời tăng cường sự gắn kết ASEAN trước tất cả các mối đe dọa khác đối với hòa bình và an ninh trong khu vực. Tất cả các biện pháp mà Việt Nam thực hiện để gắn kết ASEAN trước nguy cơ dịch bệnh đang nổi lên sẽ có tầm quan trọng lớn đối với việc củng cố toàn bộ Cộng đồng ASEAN và tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết tất cả các vấn đề hòa bình và an ninh trong khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Dự kiến, các Nhà Lãnh đạo thông qua hai văn kiện quan trọng là Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Tuyên bố chung của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó dịch bệnh COVID-19. Qua đó, khẳng định cam kết, quyết tâm mạnh mẽ của ASEAN và các nước ASEAN+3 trong ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ của dịch bệnh đe dọa cuộc sống người dân, ổn định tình hình kinh tế - xã hội các quốc gia thành viên.

Feedback