Cựu binh Điện Biên Phủ với những ký ức về chiến trường xưa

Lê Phương
Chia sẻ
(VOV5) - Trên chiến trường ngày đó, nhiệm vụ chính của những người lính pháo cao xạ là yểm hộ cho bộ binh chiến đấu, đồng thời tiêu hao sinh lực của Pháp. 

(VOV5) - 60 năm về trước, chiến sỹ trẻ Phạm Đức Cư cùng những đồng đội của mình, khi đó chỉ mới ngoài 20 tuổi, tham gia vào trung đoàn pháo binh, trực tiếp chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Với tinh thần, ý chí ngoan cường, các pháo thủ cao xạ đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" ngày ấy. Chiến tranh qua đi, nhưng cựu chiến binh Phạm Đức Cư vẫn nhớ như in ký ức của những ngày chiến đấu đầy gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào của các pháo thủ trung đoàn pháo cao xạ 367. 

Cựu binh Điện Biên Phủ với những ký ức về chiến trường xưa - ảnh 1
Cựu chiến binh Phạm Đức Cư hồi tưởng những ngày cùng đồng đội chiến đấu đánh bại quân xâm lược trên quê hương

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Chúng tôi tới thăm cựu pháo thủ Phạm Đức Cư khi ông đang chuẩn bị những tài liệu lịch sử cho buổi nói chuyện với thế hệ trẻ tỉnh Điện Biên vào ngày hôm sau. Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ông thường là nhân vật chính của những buổi giao lưu với các trường học, các đoàn thể trên địa bàn tỉnh, kể chuyện về những ngày ông cùng đồng đội trong trung đoàn pháo cao xạ 367 chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ để truyền cho thế hệ trẻ nhiệt huyết tuổi trẻ thời chiến cũng như tình yêu quê hương, đất nước. Mỗi lần như vậy, ông lại khoác trên mình bộ quân phục đã bạc màu, trên ngực áo là rất nhiều tấm huân, huy chương mà Đảng, Nhà nước trao tặng vì những đóng góp của ông trong chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như trong sự nghiệp xây dựng đất nước sau này. Ông Cư vẫn nhớ như in từ ngày ông mới tham gia quân đội, cho tới những ngày ông sát cánh cùng đồng đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Khi đó, ông là một trong số những chiến sỹ trong lực lượng quân chủ lực Việt Nam được chọn đi đào tạo về pháo cao xạ tại Trung Quốc từ năm 1952. Năm 1953, ông trở về nước tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ngay từ ngày đầu, những pháo thủ đã được tuyển chọn rất gắt gao. Họ phải là chiến sĩ đã kinh qua chiến đấu, thể hiện tinh thần dũng cảm, nhanh nhẹn, có sức khỏe tốt, trung thành với cách mạng. Trải qua chặng đường vất vả từ tháng 12/1953 đến đầu tháng 1/1954, các pháo thủ trung đoàn 367 đã đưa được 12 khẩu pháo, mỗi khẩu nặng 2,4 tấn vào trận địa Điện Biên Phủ. Cựu pháo thủ Phạm Đức Cư nhớ lại: "Những người lính pháo cao xạ tham gia chiến dịch mùa xuân năm 1954 không bao giờ có thể quên được những chặng đường kéo pháo từ Nà Nhạn vào trong lòng chảo, tiếp cận với quân địch. Chúng tôi đã kéo vào bằng sức người mà mỗi 1 khẩu pháo nặng 2,4 tấn mà chúng tôi phải bố trí 80 - 100 người kéo. Chúng tôi chủ yếu là kéo ban đêm trong rừng. Lúc khó khăn thì chúng tôi lại nảy ra các sáng kiến, như: qua bãi lầy thì phải vác đá kè, chặt cây rừng rải ra để làm thảm kéo pháo vượt qua, rồi thì nảy ra sáng kiến đêm tối như thế ko được soi đèn, lại phải cử 2 người khoác mảnh vải trắng đi phía trước để anh em nhìn, làm cái tiêu để anh em kéo theo sau. Có những đêm chỉ kéo được khoảng độ 1 km nên chúng tôi phải rất vất vả".

Khi gần sát Tết âm lịch Giáp Ngọ, lúc bấy giờ khi trung đoàn 367 kéo pháo đến cách đồi Độc Lập 400m và chiếm lĩnh được trận địa, quân đội Pháp ở trong đồi Độc lập vẫn không hề biết. "Điều kỳ diệu" này được làm nên từ những hy sinh gian khổ, ý chí chiến dấu ngoan cường  mà các chiến sỹ bộ đội Việt Nam đã trải qua. Ông Phạm Đức Cư kể: "Trong suốt chiến dịch 56 ngày đêm, chúng tôi thường xuyên ở trên trận địa. Ngay bản thân tôi đã từng bị bom nổ vùi lấp đi ko còn thấy gì nhưng sau trận anh em lại đi tìm kiếm, đào bới lên, lại sống lại, lại chiến đấu và còn một vài lần bị thương nữa. Khi ấy quần áo chúng tôi đầy máu me, bùn đất, không lúc nào khô, sạch. Cả tháng trời bùn khô rồi lại rụng, rồi lại lấm bùn vì chúng tôi luôn luôn phải cơ động ở ngoài trận địa mà thỉnh thoảng lại có trận mưa. Thậm chí cấp dưỡng mang cơm từ trong rừng ra, gánh cơm khi đưa ra trận địa gặp máy bay thả bom xuống, anh cấp dưỡng gánh 2 sọt cơm trên vai phải dấn cả người, cả gánh cơm xuống hào đầy bùn ấy, ra trận địa thì chúng tôi lại gọt đi để ăn".

Trên chiến trường ngày đó, nhiệm vụ chính của những người lính pháo cao xạ là yểm hộ cho bộ binh chiến đấu, đồng thời tiêu hao sinh lực của Pháp. Bên cạnh đó, các chiến sỹ trung đoàn 367 còn phấn dấu thực hiện lời hứa với Đại tướng Võ Nguyên Giáp "mỗi đại đội bắn rơi một chiếc máy bay". Ông Phạm Đức Cư cho biết để có thể đánh phá được không lực hùng hậu của đối phương, các pháo thủ phải có sự phối kết hợp nhuần nhuyễn: "Trong 7 pháo thủ ở 1 khẩu pháo này là phải như 1. Mỗi 1 con người có 1 chức năng nhiệm vụ riêng nhưng đều phải thống nhất làm sao bắt được mục tiêu, làm sao đúng tầm, đúng hướng, đúng cự li, đúng tốc độ. Lúc bấy giờ nghe hiệu lệnh để nổ súng thì mới đúng mục tiêu được. Có những lúc 7 anh pháo thủ này phải làm thế nào để kỹ thuật của mình phải đảm bảo. Ví dụ như anh lấy đường bay, anh lấy tốc độ cự li, anh nạp đạn, anh chuyển đạn, anh ngắm bắn, anh chỉnh tầm, anh chỉnh hướng làm sao cho nó thật hài hòa, thống nhất. Những đặc điểm của những con người lính cao xạ là rất là đặc thù".

Khó khăn, vất vả, hy sinh nhưng trung đoàn pháo cao xạ 367 của ông Phạm Đức Cư đã phấn đấu bắn rơi được 52 máy bay và bắn hỏng một số lượng lớn máy bay địch, góp phần không nhỏ trong thành công của chiến dịch Điện Biên Phủ. Chiến thắng tại Điện Biên Phủ năm 1954 là chiến thắng phải đánh đổi bằng hy sinh mất mát của biết bao người lính, trong đó có những người lính pháo cao xạ trung đoàn 367.

Chiến tranh đã lùi xa, những người lính pháo cao xạ tham gia trận Điện Biên Phủ năm xưa người còn, người mất. Giờ chỉ còn lại hơn 100 cựu chiến binh trong đó có Phạm Đức Cư. Ông Phạm Đức Cư cảm thấy mình may mắn hơn những đồng đội đã ngã xuống khi được trở về sau bao năm chinh chiến ở khắp các mặt trận từ Bắc chí Nam, là ông đã . Ông Cư tâm sự: "Tôi cũng có làm thơ, viết báo làm đủ cách để quên đi những gì gian nan vất vả, gian truân của đời lính để cho con người thoải mái hơn. Chúng tôi cũng còn may mắn được sống sót đến ngày hôm nay để gặp gỡ để nói lại được với thế hệ sau này, mà cũng chỉ còn có lần này thôi, còn không có lần kỷ niệm 70 năm nữa đâu vì lúc đó chúng tôi cũng chẳng còn"...

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với ông Phạm Đắc Cư như lặng đi khi người cựu binh nhớ tới những người đồng đội đã cùng ông "sống trên mâm pháo, chết trên mâm pháo" của 60 năm về trước. Là người trực tiếp chiến đấu trong chiến dịch, câu chuyện thời lính của cựu chiến binh Phạm Đức Cư sống động như một đoạn phim về đời lính pháo cao xạ trung đoàn 367./. 

Feedback