Luôn hướng về quê hương là tâm tư và tình cảm của người Việt Nam đang sống ở nước ngoài. Qua những chuyến đi tới cộng đồng người Việt ở các nước, qua những hoạt động kết nối, cảm nhận về tấm lòng của những người con xa xứ với cội nguồn càng sâu sắc hơn.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cứ dịp Tết cổ truyền dân tộc, đoàn nghệ sĩ của Việt Nam lại mang nhiều tiết mục đi biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt ở các nước Châu Âu.
Chị Hồ Liên, diễn viên của Nhà hát kịch Việt Nam xúc động kể về những tình cảm của bà con người Việt ở Sec, ở Đức chào đón các nghệ sĩ. Những vở kịch mà đoàn biểu diễn đã gây ấn tượng mạnh với cộng đồng người Việt vì qua đó, họ càng nhớ nhiều hơn quê hương và những kỷ niệm tại quê nhà: “Chúng tôi đi về vẫn mang theo cảm xúc dạt dào của bà con việt kiều đối với các nghệ sĩ, chúng tôi được đón nhận trân trọng, yêu mến. Tâm huyết mang chương trình đi phục vụ cộng đồng Châu âu kết nối cộng đồng, chúng tôi được đón tiếp, và mỗi đêm diễn, bùng nổ sân khấu, đi về vẫn nguyên vẹn cảm xúc đó, Tôi không nghĩ tình cảm hướng về quê hương vẫn nguyên vẹn như vậy có lẽ vì trong tác phẩm đó mọi người được nhìn lại mình, nhìn quê hương đất mình”.
Nụ cười của kiều bào khi xem "Bệnh sĩ" - Ảnh: Quỳnh Nga/sankhau.com.vn |
Những cái ôm thật chặt, những nụ cười rạng rỡ, niềm vui, sự quyến luyến của kiều bào khi gặp được bà con từ quê nhà vẫn theo các nghệ sĩ tới tận bây giờ với cảm xúc thật đặc biệt. Đó cũng chính là điều mà những thành viên trong đoàn Hội phụ nữ không thể quên khi họ thực hiện chuyến công tác tới Lào và Campuchia, gặp gỡ bà con người Việt.
Nghe bà con chia sẻ tâm tư, rồi được thưởng thức những món ăn Việt mà bà con gìn giữ bao nhiêu năm nay càng giúp các chị thấy rõ hơn những tình cảm luôn thẳm sâu trong lòng của người việt xa xứ.
Chị Nguyễn Thị Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết:“ Chúng tôi cảm nhận bà con luôn đau đáu hương về quê hương, tự hào là người Việt. Gặp các con cháu đang học tập ở Lào, Campuchia, được gia đình và cộng đồng dạy tiếng Việt không quên nguồn gốc quê hương mình. Lúc nào cũng suy nghĩ, mong muốn trở thành công dân có ích đóng góp cho Việt Nam. Chúng tôi được gặp nghe câu chuyện nghe tình cảm của bà con, đặc biệt, được thưởng thức món ăn truyền thống của bà con như cách làm bánh gai mang từ Hưng Yên về đây và trở thành nghề truyền thống, bánh phở cũng được bà con giữ gìn trở thành một trong những sản phẩm ở đây nổi tiếng”.
Hiểu được những tình cảm của bà con người Việt ở nước ngoài nên khi họ trở về thăm quê, các ngành chức năng trong nước luôn tạo điều kiện thuận lợi cũng như tổ chức đón bà con, giao lưu gặp gỡ. Tết đến xuân về, địa phương nào cũng tổ chức gặp mặt kiều bào và người thân của họ, từ đó, tăng cường thêm tình cảm và kết nối nguồn lực kiều bào.
Bà Nguyễn Thị Đàng, Phó Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Định chia sẻ:“ Chúng tôi găp mặt hàng năm để khích lệ, động viên và cho bà con thấy tình cảm của quê hương, họ hiểu quê hương là nơi họ cần về, và con cháu họ khi muốn trở về, làm cầu nối giữa quê hương với kiều bào chưa được về. Gặp mặt để cho lãnh đạo tỉnh thông tin về tình hình kinh tế, thu hút đầu tư. Khi có chính sách chưa phù hợp chúng tôi kiến nghị đề xuất với các ngành chức năng để áp dụng phù hợp, khuyến khích kiều bào trở về đầu tư đóng góp”.
Vở kịch bệnh sĩ được Nhà hát kịch Việt Nam biểu diễn tại Sec và Đức phục vụ bà con. Ảnh: sankhau.com.vn |
Những chuyến đi ra nước ngoài, gặp gỡ, giao lưu với bà con người Việt, hay những chuyến trở về của bà con càng làm tình cảm với quê hương thêm khăng khít. Bà con được hiểu thêm về tình hình đất nước, được chia sẻ và nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. Đổi lại, mỗi người đều thấy rõ hơn những nỗ lực của kiều bào khi gìn giữ văn hóa và trao truyền cho thế hệ sau ở nước ngoài.
Đó cũng là lý do vì sao Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và cố gắng tạo điều kiện cho bà con, đúng như ý kiến của ông Ngô Đức Mạnh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, nay là Đại sứ Việt Nam tại LB Nga: “ Chính sách và biện pháp ngày càng cụ thể khả thi đáp ứng nguyện vọng của bà con, tạo điều kiện cho bà con về trong nước đầu tư mua nhà đầu tư kinh doanh, Công nghệ thông tin mạng kết nối. nên khi bà con ở nước ngoài vẫn cảm thấy gần với quê hương . Tất nhên là còn nhiều điểm phải cải tiến sửa đổi cơ chế đề xuất huy động chất xám của trí thức bà con ở nước ngoài. Dự án khả thi phải bảo đảm triển khai hiệu quả. Những đóng góp của bà con vì trường sa, rồi từ thiện của bà con thì phải xây dựng bài bản và thông tin lại cho bà con đến được địa chỉ chưa”.
Đoàn công tác của Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội làm việc với lãnh đạo và nhân viên Đại sứ quán, đại diện cộng đồng, hội doanh nghiệp, cùng các cơ quan đại diện Việt Nam tại LB Nga tháng 3/2017. -Ảnh: vov
|
Gắn kết bà con người Việt ở nước ngoài với quê hương, giúp họ hiểu được quê hương luôn trân trọng và đón chào họ là việc làm phải luôn nỗ lực, phải làm thường xuyên. Cho dù sống ở nước ngoài, đón xuân trên quê hương hay đón xuân nơi xa xứ, bà con sẽ cảm nhận được quê hương vẫn rất gần gũi, thân thiết và tình cảm của mỗi người con Việt vẫn luôn hướng về nhau, lan tỏa sự chia sẻ và kết nối.