Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức rất lớn do ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Nổi lên là vấn đề chất thải rắn nói chung và tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa nói riêng vẫn đang ở mức báo động.
Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/ngày, tức có hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường, gây ô nhiễm môi trường sống, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Tọa đàm 'Chống rác thải nhựa'- Ảnh/ baochinhphu.vn
|
Từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành chính sách và đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường, thúc đẩy việc thu gom, phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Để quyết liệt thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu để xây dựng cơ chế chính sách, pháp luật; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; thay đổi, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, xây dựng thị trường lành mạnh. Chính phủ đã làm việc với các đại sứ quán, các quỹ phát triển toàn cầu để giúp Việt Nam thành lập Trung tâm ứng phó với rác thải nhựa đại dương; kết hợp với các tổ chức tôn giáo, tổ chức chính trị - xã hội để tuyên truyền thay đổi hành vi.
Hiện Chính phủ Việt Nam đang xây dựng kinh tế tuần hoàn trong từng khu dân cư, từng doanh nghiệp, từng khu công nghiệp và trong cả cộng đồng, tiến tới cấm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần theo lộ trình.