Đại dịch COVID-19 tác động rất lớn đến đời sống, sản xuất của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách. Vì vậy, ngay khi nới lỏng giãn cách, các địa phương đã nhanh chóng rà soát, kịp thời giải ngân vốn vay đến các hộ nghèo và hộ cận nghèo. Tiếp thêm nguồn vốn là tiếp thêm nguồn lực quan trọng để người nghèo có thể tạo sinh kế, sớm ổn định cuộc sống sau dịch bệnh.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tính đến giữa tháng tháng 10, số người được hỗ trợ theo Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là 24,26 triệu lượt đối tượng với gần 22.000 tỷ đồng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã và đang tổ chức nhiều hoạt động cụ thể như rà soát các đối tượng cần hỗ trợ an sinh xã hội; vận động ủng hộ và phân bổ kinh phí, vật chất; trao tặng túi quà an sinh cho các đối tượng gặp khói khăn, yếu thế; hỗ trợ vận chuyển, tiêu thụ nông sản.
Ngân hàng chính sách ở các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục huy động nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khắc khắc phục hậu quả dịch bệnh, phát triển kinh tế. Ngân hàng chính sách xã hội cũng phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác nắm bắt diễn biến dịch bệnh tại từng địa bàn, mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng vay vốn để thực hiện các giải pháp hỗ trợ kịp thời như gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, cho vay bổ sung. Từ đầu năm đến nay, riêng Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn giải ngân cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở tỉnh Khánh Hòa đã trên 280 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Cường, Phó giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa, cho biết:Chúng tôi kịp thời tổ chức triển khai hoạt động giao dịch tại các địa bàn xã ngay trong tháng 9 vừa qua. Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã triển khai trên 130 điểm giao dịch xã trên tổng số 136 và sẽ phấn đấu là những nơi nào đủ điều kiện an toàn phòng dịch chúng tôi tổ chức triển khai ngay.
Vốn tín dụng chính sách không chỉ giải quyết kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh mà còn tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động. Tổng doanh số cho vay trong 6 tháng đầu năm 2021 của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đạt hơn 48 tỷ đồng. Nhờ đó, có khoảng 1,3 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Gia đình chị Cao Thị Hòa, một hộ nghèo ở xã Suối Tiên, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa có được công việc ổn định như hiện tại là nhờ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội:Tôi nhờ nuôi bò mà ngày càng ăn nên làm ra. Dịch bệnh thì ai mà đi làm thuê, làm mướn được. Hơn nữa mình lỡ có kẹt thì mình đã có con nghé để nuôi kiếm sống.
Cũng vì lý do này, trưởng thôn Lỗ Gia, chị Cao Thị Kẹm, ngay khi nới lỏng giãn cách đã kịp thời rà soát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của từng hộ. Tổ vay vốn trong thôn gồm 58 hộ, tất cả đều là đồng bào dân tộc Raglai, chị Kẹm phải lo hết mọi thủ tục vay vốn cho người dân:Tôi gặp mặt bà con thường xuyên để tìm hiểu hoàn cảnh. Những người nào người ta cố gắng thực sự người ta cố gắng làm ăn thì người ta có nguyện vọng thì làm hồ sơ vay vốn cho họ.
Ngân hàng chính sách ở các tỉnh, thành phố trong cả nước tiếp tục huy động nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khắc phục hậu quả dịch bệnh, phát triển kinh tế. Ảnh: Báo Nghệ An
|
Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, các địa phương tích cực hỗ trợ người nghèo vượt qua khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau. Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, cho biết thành phố Đà Nẵng giúp đỡ hàng chục ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo, thể hiện qua các chính sách như, cấp thẻ bảo hiểm y tế, giúp vốn làm ăn, đào tạo nghề miễn phí và giới thiệu việc làm…Hộ nghèo, cận nghèo của thành phố chúng tôi luôn ưu tiên đầu tiên, tạo cho người nghèo yên tâm vượt qua khó khăn. Người nghèo đã được hỗ trợ vay vốn làm ăn, đối với hộ đặc biệt nghèo cho vay không lãi… Đây là chính sách hết sức nhân văn, động viên cho người lao động và cả người nghèo qua đợt dịch sẵn sàng quay trở lại làm việc để phát triển kinh tế.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống người dân, nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự là “điểm tựa” vững chắc cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khắc phục hậu quả dịch bệnh. Qua đó, tiếp thêm động lực, niềm tin để họ khôi phục sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh bền vững.