Nâng cao nhận thức về biển đảo Việt Nam
Hơn 200 cán bộ, đoàn viên thanh niên Huyện đoàn Côn Đảo tham dự buổi thông tin, tuyên truyền về biển, đảo và Luật Cảnh sát biển Việt Nam, diễn ra ngày 8/3, tại Côn Đảo.
Quang cảnh buổi tuyên truyền. Ảnh: canhsatbien.vn |
Tại buổi tuyên truyền, đại diện Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển thông tin về vai trò, tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cách xác định vùng nội thủy, đường cơ sở, vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc vùng biển Việt Nam theo công ước Luật Biển năm 1982; tình hình an ninh, an toàn biển, đảo của Việt Nam hiện nay; Luật Biển Việt Nam. Đại diện Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển cũng thông tin về quan điểm, chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước trong giải quyết các vấn đề trên biển; tuyên truyền chống khai thác thủy hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy Buổi tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức và nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân, góp phần cùng các lực lượng chức năng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Hơn 2.000 phụ nữ mặc áo dài diễu hành ven biển Nha Trang
Nhân ngày quốc tế phụ nữ 8/3, hơn 2.000 phụ nữ đến từ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã diễu hành trong tà áo dài ven cung đường biển. Những tà áo dài đủ màu sắc tung bay dọc tuyến đường ven biển Nha Trang khiến nhiều du khách, người dân thích thú. Nhiều chị còn mang theo nón lá, khăn, cờ… khiến cho buổi diễu hành thêm sinh động.
Xe diễu hành dẫn đầu với những khẩu hiệu tôn vinh áo dài. Ảnh: tuoitre.vn |
Theo lãnh đạo UBND TP Nha Trang, chương trình diễu hành "Tôn vinh áo dài Việt Nam" nhằm tạo không khí vui tươi, sôi nổi chào mừng 113 năm Ngày quốc tế Phụ nữ 8/3. Hoạt động này cũng góp phần tôn vinh áo dài Việt Nam, ca ngợi vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam nói chung, phụ nữ Nha Trang nói riêng; gửi đến cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân cùng khách du lịch thông điệp về gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa áo dài Việt Nam.
Từ ngày 18/3, khai thác trở lại tuyến tàu cao tốc Cà Mau - Nam Du - Phú Quốc
Tuyến tàu cao tốc Cà Mau - Nam Du - Phú Quốc sẽ bắt đầu khai thác trở lại, phục vụ nhu cầu của khách du lịch từ ngày 18/3. Giá vé tổng hành trình cho hàng ghế phổ thông từ 260.000 - 590.000 đồng/người; giá vé dành cho người cao tuổi/trẻ em từ 210.000 - 540.000 đồng/người và hàng ghế VIP có giá vé từ 390.000 - 980.000 đồng/người.
Tuyến tàu cao tốc du lịch biển Cà Mau - Nam Du - Phú Quốc khởi động khai thác lại từ ngày 18-3. Ảnh:tuoitre.vn |
Khi đi tuyến tàu cao tốc này, thời gian du khách đi từ Cà Mau đến Phú Quốc chỉ mất 3 giờ 15 phút. Tàu được sử dụng trên hành trình này có tải trọng 600 khách, thiết kế theo tiêu chuẩn châu Âu, đẳng cấp 5 sao. Boong ngoài trời có sức chứa 100 người, tốc độ tối đa tương đương 60km/h.
Trước đó, tháng 7/2020, tuyến tàu cao tốc du lịch biển chính thức đưa vào vận hành, được kỳ vọng là một sản phẩm du lịch giúp cho du khách có thêm những trải nghiệm thú vị, tạo sức bật mới cho du lịch Cà Mau. Tuy nhiên, sau đó do dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tuyến này dừng hoạt động.
Huyện đảo Lý Sơn tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa
Theo thông lệ hằng năm, ngày 7/3, nhằm ngày 16/2 năm Quý Mão, tại Nghĩa Tự An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, huyện Lý Sơn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Đây là hoạt động được các tộc họ trên đảo Lý Sơn lưu truyền hàng trăm năm nay, nhằm tưởng nhớ công ơn của các bậc hùng binh Bắc Hải năm xưa có công trong việc cắm mốc bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được người dân Lý Sơn duy trì hàng trăm năm.Ảnh: VOV |
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là nghi lễ “cúng thế lính” xưa của nhân dân các làng An Hải, An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn để cầu bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Hàng trăm năm trước, những người con của Lý Sơn, tuân lệnh vua đi ra Hoàng Sa, Trường Sa đo đạc hải trình cắm mốc chủ quyền, khai thác sản vật. Nhiều người ra đi không trở về, thân xác họ đã hòa mình vào biển cả mênh mông. Ông Bùi Văn Cảnh, Trưởng Ban Khánh tiết Đình làng An Hải, huyện Lý Sơn, cho biết: Hàng năm, vào dịp tháng Hai, làng An Hải tổ chức Lễ Khao lề để tưởng nhớ, cầu mong cho ngư dân phát triển, làm ăn tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, góp phần bảo vệ chủ quyền. Cầu mong ngư dân bình an trở về quê hương.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trở thành một phong tục đẹp, một dấu ấn văn hóa tâm linh trong đời sống của các thế hệ người dân đảo Lý Sơn. Năm 2013, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ông Trương Văn Sửu, Trưởng phòng Văn hoá- Thông tin huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, cho biết địa phương rất chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch: Hằng năm, chúng tôi giới thiệu cho du khách, bạn bè gần xa những di sản văn hoá có ý nghĩa truyền thống trên đảo Lý Sơn. Chúng tôi cũng thường xuyên trùng tu, sửa chữa các hạng mục, phục vụ cho việc tổ chức các lễ nghi tại hai làng An Vĩnh và An Hải.
Ngày nay, huyện đảo Lý Sơn có hơn 3.000 ngư dân, hơn 500 tàu thuyền, trong đó hơn 100 tàu đánh bắt xa bờ. Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, ngư dân Lý Sơn luôn đầu tư nâng cấp, cải hoán tàu thuyền, trang bị các phương tiện đánh bắt hiện đại, vươn khơi bám biển, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền.