Thành tựu y khoa góp phần phát triển ngành Y học Việt Nam

Thu Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Hàng ngày, hàng giờ vẫn có nhiều những sáng kiến, nghiên cứu của các y bác sỹ đang được ứng dụng để cứu chữa bệnh nhân trên cả nước.

Ngành y tế Việt Nam trong những năm qua đạt nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và cuộc sống bình yên.

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ mắc bệnh ung thư cao trên thế giới. Số lượng người mới mắc bệnh ung thư không ngừng tăng qua từng năm. Điều này thôi thúc những người thầy thuốc có các nghiên cứu để tìm ra phương pháp chẩn đoán, điều trị, ngăn chặn hiệu quả căn bệnh đang được coi là “kẻ giết người thầm lặng”. 

Thành tựu y khoa góp phần phát triển ngành Y học Việt Nam - ảnh 1

GS.TS. Mai Trọng Khoa (phải) - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đang hội chẩn điều trị bệnh nhân u não bằng dao Gamma quay với GS Kryspel - Chủ tịch Hội xạ phẫu Mỹ - Ảnh: Vietnamnet

Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán điều trị ung thư và một số bệnh lý khác” do GS, TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, cùng các cộng sự thực hiện nghiên cứu trong suốt 20 năm qua phần nào đáp ứng được kỳ vọng đó. Chia sẻ về những thành tựu đã đạt được, GS, TS Mai Trọng Khoa cho biết: "Việt Nam là 1 trong những quốc gia có tỷ lệ mắc và chết vì ung thư rất cao. Vì vậy việc ứng dụng KHCN thông qua 2 lĩnh vực là y học hạt nhân và xạ trị ung bướu là những kỹ thuật sử dụng năng lượng bức xạ hay chính là sử dụng tia phóng xạ trong chẩn đoán điều trị. Việt Nam trong những năm vừa rồi cũng đã tiếp cận được những công nghệ đó. Những kỹ thuật này giúp Việt Nam giải quyết được vấn đề trong thực tiễn là chúng ta có các nếu không có những cái đó thì chúng ta sẽ gặp khó khăn trong chuẩn đoán và điều trị cho người bệnh".

Thành quả từ hơn 4 nghìn ca u não điều trị bằng kỹ thuật xạ phẫu dao gama quay, đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia ở khu vực Châu Á là chủ ở kỹ thuật hiện đại này. Đây là hiệu quả của công trình ứng dụng hiện đại về bức xạ ion hóa giúp nâng cao chất lượng chuẩn đoán điều trị ung thư, tạo niềm tin cho bệnh nhân ung thư yên tâm điều trị trong nước mà không phải tốn kém ra nước ngoài chữa bệnh.

Trong lĩnh vực truyền máu, xuất phát từ thực tiễn hơn 10 năm với hơn 100 đề tài nghiên cứu, viện Huyết học và truyền máu trung ương đã ứng dụng khoa học công nghệ nhằm đảm bảo an toàn truyền máu. Giá trị nổi bật là ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử để sàng lọc các bệnh lây qua đường truyền máu, sản xuất được bộ phanen hồng cầu, sử dụng kháng nguyên của chính người Việt, qua đó sàng lọc được kháng thể bất thường.

Thành tựu y khoa góp phần phát triển ngành Y học Việt Nam - ảnh 2

Giáo sư Phạm Văn Thức hàng ngày vẫn trực tiếp đứng lớp giảng dạy - Ảnh: Quý Trung/TTXVN

Góp phần vào thành tựu chung của ngành Y Việt Nam còn có Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phạm Văn Thức, Hiệu trưởng trường Đại học y dược Hải Phòng. Ông là người đặt nền móng gây dựng bệnh viện Đại học Y dược Hải Phòng, góp phần phát triển ngành y học biển ở Việt Nam để nghiên cứu việc khám chữa bệnh đặc thù cho ngư dân, chiến sỹ hải quân hay cư dân sinh sống ven biển, sau đó còn thành lập trung tâm dược liệu biển. Với những đóng góp hữu ích của mình, ông là người Việt Nam đầu tiên được viện hàn Lâm Y học quốc gia Pháp trao chức danh Viện sỹ, vinh dự đứng vào hàng ngũ 500 nhà Y học ngành Y uy tín hàng đầu trên thế giới. Ông chia sẻ: "Động lực để thúc đẩy tôi cố gắng phấn đấu hết mình, trong đào tạo là phải đào tạo ra nhiều thầy thuốc giỏi. Về mặt kiến thức chúng tôi luôn trau dồi cả chuyên môn, y đức".

Đây chỉ là những đóng góp tiêu biểu của cá nhân và tập thể ngành y tế. Hàng ngày, hàng giờ vẫn có nhiều những sáng kiến, nghiên cứu của các y bác sỹ đang được ứng dụng để cứu chữa bệnh nhân trên cả nước và tất cả đều hướng tới mục tiêu chăm sóc sức khỏe người dân một cách tốt nhất.

Sáng 27/2, Thành phố Đà Nẵng tổ chức Lễ trao tặng Giải thưởng “Tỏa sáng blouse trắng”, tôn vinh 20 bác sĩ tiêu biểu. Đây là năm thứ 6 thành phố Đà Nẵng trao giải thưởng Tỏa sáng blouse trắng. Những cá nhân được tôn vinh là những người có thành tích xuất sắc, tiêu biểu về tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh.

Ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, đề nghị ngành Y tế thành phố duy trì và nhân rộng những tấm gương về “Toả sáng blouse trắng”. "Tôi mong muốn ngành Y tế thành phố đồng tâm hiệp lực và tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của ngành. Phát triển các kỹ thuật y tế chuyên sâu, tiên tiến mang tầm khu vực, nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho nhân dân thành phố và các tỉnh lân cận, tiến tới tiếp nhận điều trị cho người nước ngoài" - ông Trần Văn Miên nhấn mạnh.

Cùng ngày, Sở Y tế thành phố Cần Thơ tổ chức Lễ kỷ niệm 63 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam. Năm qua, ngành y tế Cần Thơ đẩy mạnh công tác xã hội hóa cho phát triển y tế. Thành phố  hiện có 5 bệnh viện ngoài công lập, hơn 2000 cơ sở hành nghề y dược tư nhân. Ngành cũng đã giải quyết tốt các chế độ chính sách cho người bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi khi người bệnh đến khám, 100% cơ sở y tế triển khai thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh”.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu