Tăng cường sự thích ứng của người di cư trong quá trình hòa nhập

Chia sẻ
(VOV5) -Theo số liệu về di cư của Việt Nam, trung bình, chúng ta có hơn 110 nghìn người ra nước ngoài làm việc mỗi năm. 

Di cư là một phần không thể thiếu của quá trình phát triển, đóng góp những giá trị to lớn cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, góp phần bù đắp thiếu hụt lao động cũng như giao lưu quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ.

Đây là những nội dung được đề cập tại Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Di cư quốc tế và hội nhập xã hội- hòa nhập và phát triển bao trùm” diễn ra hôm qua (24/10), tại Hà Nội.

Tăng cường sự thích ứng của người di cư trong quá trình hòa nhập - ảnh 1PGS.TS Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: hanoimoi.vn

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Quang Tiến, Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam, chia sẻ thông tin về tình hình di cư tại Việt Nam: "Theo số liệu về di cư của Việt Nam, trung bình, chúng ta có hơn 110 nghìn người ra nước ngoài làm việc mỗi năm. Trong đó, số người ra nước ngoài làm việc hàng năm chiếm từ 7 - 10% tổng số việc làm được giải quyết cho người lao động. Số người vào Việt Nam làm việc, tính đến đầu năm ngoái là 100 nghìn người. Di cư đóng góp quan trọng vào sinh kế hộ gia đình. Tham gia di cư lao động, giúp cho người di cư có những trải nghiệm khác biệt về lối sống, văn hóa, góp phần thay đổi để thích nghi với môi trường sống mới, với công việc tại nơi đến. Di cư cũng góp phần làm thay đổi vai trò giới trong gia đình. Đặc biệt là tại Việt Nam, bên cạnh di cư quốc tế thì di cư nội địa cũng rất phát triển."

Theo ông Trần Quang Tiến, di cư đóng góp quan trọng vào sinh kế hộ gia đình, góp phần làm thay đổi vai trò giới trong gia đình. Tuy nhiên, di cư cũng mang lại những tác động tiêu cực cho xã hội, như: tạo áp lực lớn lên tài nguyên và môi trường của các khu vực tiếp nhận, dẫn đến sự cạnh tranh về tài nguyên và tác động đến môi trường. Vấn đề di cư cũng tác động phức tạp đến xã hội và đòi hỏi sự đối ứng thông qua các biện pháp chính trị, kinh tế, và xã hội để đảm bảo tích hợp, bảo vệ nhân quyền, và tối ưu hóa lợi ích cho cả người di cư và các nước tiếp nhận.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu