Tăng cường hợp tác quốc tế trong giảm nghèo bền vững tại Việt Nam

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) -  Và, điều quan trọng nhất vẫn phải là khát vọng, ý chí vươn lên của người dân nghèo Việt Nam.

Phong trào cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau đã trở thành một chương trình cụ thể và thiết thực của cộng đồng xã hội. Đến nay, cuộc sống tại các địa phương nghèo ở Việt Nam có nhiều khởi sắc rõ rệt, tạo nên diện mạo mới, sức sống mới. Và,  tiếp nối thành công của giai đoạn 2016-2020 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở Việt Nam giai đoạn 2021-2025 tiếp tục phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế, nhằm thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; tiến tới mục tiêu xóa nghèo ở mọi chiều cạnh, cho mọi người, ở mọi nơi, mọi thời điểm”.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016-2020 đã mang lại hiệu quả góp phần thay đổi diện mạo nhiều vùng quê nghèo trên khắp cả nước. Những năm qua chính sách giảm nghèo cua Việt Nam đã góp phần rất lớn cho sự phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương. Thống kê của Bộ Lao động và Thương binh xã hội cho thấy năm 1993, tỷ lệ hộ nghèo tại Việt Nam là 58,1% đến năm 2021 tỷ lệ này chỉ còn 2,23%. Như vây, Việt Nam đã hoàn thành sớm mục tiêu thiên niên kỷ Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong giảm nghèo bền vững tại Việt Nam - ảnh 1Trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam Caitlin Wiesen. Ảnh UNDP

Bà Caittlin Wiesen, trưởng Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới. Nghèo đa chiều không chỉ tiếp cận từ thu nhập mà từ các chiều cạnh khác như tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường. Việt Nam đã giảm từ 8% xuống dưới 4% trong giai đoạn 2016- 2019 với hàng triệu người thoát khỏi nghèo đa chiều. Đây là một thành tựu rất lớn.”

Có được kết quả đó là sự hỗ trợ rất lớn của các đối tác quốc tế tại Việt Nam như UNDP, WB, FAO, UNICEF CARE, OXFAM, DFAT... trong nghiên cứu, khuyến nghị chính sách giảm nghèo, triển khai các mô hình sáng kiến, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, cải thiện điều kiện sống.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong giảm nghèo bền vững tại Việt Nam - ảnh 2Thứ trưởng Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh đánh giá cao sự sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong công tác giảm nghèo tại Việt Nam.

Ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 90/TTG phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2021-2025. Theo thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn này có nhiều điểm mới so với trước đây. Chẳng hạn như phương thức hỗ trợ người nghèo cũng sẽ chuyển từ hỗ trợ riêng lẻ sang tập trung theo các mô hình tổ chức sản xuất phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, nhu cầu hộ gia đình, qua các mô hình, dự án tạo sinh kế bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh: “Chương trình thực hiện chiến lược tập trung đầu tư vào con người, trực tiếp là đầu tư, nâng cao năng lực người nghèo; xác định rõ nguyên nhân nghèo để giải quyết căn cơ, triệt để những vấn đề của người nghèo, vùng lõi nghèo. Chương trình triển khai sẽ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững”.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong giảm nghèo bền vững tại Việt Nam - ảnh 3Trưởng đại diện UNDP Caitlin Wiesen và Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo Tô Đức thay mặt các bên ký kết thỏa thuận -Ảnh UNDP in VietNam cung cấp

 Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Nam chiếm khoảng 15% nhưng lại chiếm đa phần người nghèo cả nước. Nhận thấy thế mạnh cũng như hạn chế trong phát triển kinh tế ở dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu xa, hải đảo xa xôi…Bộ Lao động Thương binh và xã hội (MOLISA), UNDP và Bộ ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) đã cùng nghiên cứu và sáng tạo ra cách tiếp cận mới có tên 4M thể hiện các yếu tố (Gặp gỡ, Kết nối, đồng hành và Phát triển), với mục đích tạo cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế dựa trên nội lực cộng đồng.

Bà Caitlin Wiesen cho biết, Dự án UNDP-MOLISA-DFAT: “Xây dựng chương trình và tư vấn chính sách về giảm nghèo đa chiều và bền vững" thực hiện trong giai đoạn 2021-2023 tiếp tục thể hiện cam kết của UNDP trong việc hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo đa chiều bền vững: “Chúng tôi rất vui khi thấy chương trình mục tiêu quốc gia áp dụng sáng kiến gặp gỡ, kết nối, đồng hành về phát triển trong các dự án số 2, 3 về phát triển sinh kế và mô hình đổi mới sáng tạo để giảm nghèo. Đây là lần đầu tiên, chương trình bao gồm các hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực…hướng tới liên kết chuỗi giá trị sản xuất dựa trên thị trường...Với tầm nhìn phát triển chung và sự cam kết đổi mới sáng tạo. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo sẽ là một công cụ mạnh mẽ có thể đẩy nhanh quá trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm và bền vững ở mọi nơi. Không để ai bị bỏ lại phía sau.Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với các bạn trong nỗ lực quan trong này”.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong giảm nghèo bền vững tại Việt Nam - ảnh 4                   Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie

Trong nền kinh tế hiện đại, thị trường đang ưa chuộng và tìm kiếm các loại sản phẩm vùng núi truyền thống độc đáo. Có nhiều nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số đang nắm giữ bí kíp gia truyền để tạo ra những sản phẩm đó. Tuy nhiên, họ đang gặp phải những rào cản để phát triển kinh tế cũng như phát huy nội lực của mình. Vì thế, theo Đại sứ Australia tại Việt Nam Robyn Mudie, đầu tư vào phụ nữ là giải pháp thông minh, giúp giải quyết được vấn đề lõi nghèo đói tại Việt Nam: “Australia cam kết hỗ trợ chương trình về tăng trưởng bền vững, công bằng và bao trùm ở Việt Nam. Đó là vấn đề gần gũi nhất với trái tim tôi...Chúng tôi tập trung các cơ hội không chỉ nhằm mục đích tăng thu nhập mà giúp cho phụ nữ trở thành lãnh đạo trong cộng đồng.. Tôi rất vui khi kể các bạn về một người phụ nũ tuyệt vời tên Mây, dân tộc Hmông, người được thụ hưởng trong chương trình của hỗ trợ giảm nghèo của Australia tại Việt Nam. Cô Mây rất giỏi chế thuốc thảo dược gia truyền. Chúng tôi đã hỗ trợ cô ấy chút kinh phí, kiến thức kinh doanh, quản lý, làm nhãn mác và cách lãnh đạo quản lý hợp tác xã như thế nào. Hiện doanh nghiệp Mây làm ăn khá phát đạt với sản phẩm bán rộng rãi trong nước và đang được quáng bá ra nước ngoài” .

Tăng cường hợp tác quốc tế trong giảm nghèo bền vững tại Việt Nam - ảnh 5Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 phấn đấu hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Ảnh báo điện tử Chính phủ

Các đối tác của Việt Nam đều tin tưởng rằng, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 sẽ hiệu quả hơn nữa khi chính phủ tạo ra không gian thông thoáng cho chính quyền người dân và sáng tạo, phát huy nội lực cộng đồng, để họ có thể phát huy thế mạnh, thử nghiệm và nhân rộng các giải pháp kỹ thuật số vào đổi mới sáng tạo. Và, điều cốt yếu nhất vẫn phải là khát vọng, ý chí vươn thoát nghèo của người dân và cộng đồng nghèo tại Việt Nam.

Ông Tô Đức - chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) - cho biết Bộ Ngoại giao và thương mại Úc (DFAT) chuyển kinh phí tài trợ cho UNDP để trực tiếp hỗ trợ Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo.

Giai đoạn 2021 - 2022, DFAT tài trợ khoảng 180.000 USD, tương đương 4 tỉ đồng. Đến giai đoạn 2023 - 2025, nguồn kinh phí sẽ tiếp tục được bổ sung. Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cũng góp đối ứng 2 tỉ đồng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu