Sáng kiến CPII - Kho giải pháp số về đổi mới sáng tạo vì người dân

Hà Linh
Chia sẻ
(VOV5) - Là một giải pháp số, sáng kiến Đổi mới sáng tạo vì người dân CPII phù hợp với tinh thần của quyết định 2289 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược quốc gia.

Việt Nam và nhiều quốc gia khác đang đối mặt với những thách thức phát triển như công nghiệp hóa nhanh chóng, tác động của biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong đại dịch toàn cầu Covid-19. Những thách thức này đặt ra yêu cầu mới đối với việc nâng cao năng lực và đổi mới quản trị nhà nước để có thể thiết kế và thực thi các giải pháp tích hợp mang tính hệ thống. Trong bối cảnh đó, chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và các đối tác đã thiết kế và thực hiện Sáng kiến Đổi mới sáng tạo vì người dân (CPII) nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy hiệu quả quản trị Nhà nước và chuyển đổi số vì lợi ích của người dân.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo kết quả nghiên cứu từ Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh PAPI và Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2020 vừa công bố mới đây cho thấy việc cải thiện hiệu quả điều hành và chủ động ứng phó của chính quyền Trung ương và địa phương giúp người dân tin tưởng hơn và tuân thủ tích cực hơn các chính sách pháp luật của nhà nước. Theo một phạm trù khác, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho rằng, sự tham gia tích cực và thực chất của người dân đang đem lại những lợi ích to lớn cho quản trị Nhà nước và đổi mới trong khu vực hành chính công: Việc nghiên cứu phân tích sự đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công của người dân của người dân là một kênh thông tin quan trọng, không chỉ phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở cơ sở mà còn là chỉ báo về hiệu quả hoạt động về quản trị và hành chính công, giúp cho các nhà hoạch định chính sách ở cấp vĩ mô kịp thời điều chỉnh phương pháp hoạt động cho phù hợp”.
Sáng kiến CPII - Kho giải pháp số về đổi mới sáng tạo vì người dân - ảnh 1Trong các báo cáo "Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh" (PAPI) luôn đề cao chỉ số nội dung về sự Tham gia của người dân ở cấp cơ sở. Ảnh HL

Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Trưởng Chính sách công và Quản lý Fullbright, chính phủ Việt Nam từ rất sớm đã đề cao sự tham gia của người dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Từ góc độ của chính quyền cơ sở thì sự tham gia của người dân cung cấp góc nhìn đa chiều, nhận diện rõ nét những vấn đề của địa phương.

“Bởi người dân hơn ai hết hàng ngày đối mặt với các thách thức của địa phương nên họ thấu hiểu đâu là những vấn đề cần giải quyết, nguyên nhân của chúng và thậm chí cả cách thức để giải quyết vấn đề này. Chính vì vậy, người dân là một nguồn thông tin quan trọng cung cấp những giải pháp mang tính sáng tạo và khả thi cho các thách thức của các địa phương - Ông Tự Anh nói.

Trên thực tế, quản trị tại nhiều địa phương vẫn chưa thoát khỏi tình trạng mệnh lệnh, sử dụng chính sách đại trà cho nhiều đối tượng khác nhau. Điều này cản trở hiệu quả trong thiết kế và nhất là thực thi chính sách. Vì thế, để có thể cải thiện hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, theo tiến sĩ Tự Anh thì các sáng kiến thúc đẩy sự tham gia của người dân phải phù hợp với bối cảnh chính trị xã hội địa phương đồng thời phải thúc đẩy được mối quan hệ đối tác giữa chính quyền và người dân: “Mỗi công dân đều có vai trò như một đơn vị cảm biến, theo dõi xác định các vấn đề của địa phương. Vì vậy, trong công tác quản trị, chính quyền và người dân phải thực sự là đối tác. Suy đến cùng, mục tiêu tối thượng của chính quyền là phụng sự lợi ích và hạnh phúc của nhân dân”.

Sáng kiến CPII - Kho giải pháp số về đổi mới sáng tạo vì người dân - ảnh 2Triển lãm Sáng kiến Đổi mới sáng tạo vì người dân (CPII Digital Expo) đang diễn ra trên trang web https://cpiivietnam.org

Những phát hiện nghiên cứu nổi bật từ Báo cáo PAPI 2020 do chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP công bố mới đây cho thấy rằng, sự tham gia của người dân vào nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ Việt Nam có mối liên hệ tích cực và hiệu quả với thành công phòng chống đại dịch Covid-19 thời gian qua. Theo trưởng đại diện của UNDP tại Việt Nam, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay thì Việt Nam cần phải thúc đẩy nhanh hơn nữa năng lực đổi mới sáng tạo của bộ máy chính quyền, xây dựng chính phủ điện tử và chuyển đổi số quốc gia để hướng tới phát triển kinh tế xã hội bền vững: “Chúng ta cần thúc đẩy quản trị điện tử lấy người dân làm trung tâm là một lĩnh vực mà chúng ta cần phải quan tâm chú ý nhiều hơn. UNDP rất ủng hộ những sáng kiến của chính quyền địa phương ở Việt Nam thông qua Sáng kiến Đổi mới sáng tạo vì người dân mà UNDP hợp tác với trường Fullbright tổ chức tư vấn chính sách cho chính quyền trung ương và địa phương thực hiện.

Là một giải pháp số, sáng kiến Đổi mới sáng tạo vì người dân CPII phù hợp với tinh thần của quyết định 2289 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược quốc gia, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc triển khai sáng kiến này do người dân đề xuất này sẽ giúp các địa phương thu được rất nhiều lợi ích, đáp ứng được các yêu cầu cuộc cách mạng 4.0 bằng cách liên tục tương tác trực tiếp với người dân trên nền tảng công nghệ số. Sáng kiến này cũng giúp nâng cao niềm tin, cam kết lấy người dân làm trung tâm, từ đó cải thiện năng lực cạnh tranh các tỉnh thành,  hướng đến phát triển kinh tế xã hội bền vững ở địa phương.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu