Think PlayGround là một doanh nghiệp xã hội được thành lập năm 2014, bởi một nhóm các bạn trẻ thiện nguyện với mục tiêu tìm kiếm các biện pháp sáng tạo từ vật liệu tái chế, đơn giản, hiệu quả để xây dựng các sân chơi cho trẻ em khắp cả nước. Sau hơn 6 năm hoạt động, nhóm đã tạo dựng được hàng trăm sân chơi miễn phí ở mọi miền đất nước, với mong muốn trẻ em phải được vui chơi đúng nghĩa để phát triển toàn diện về trí tuệ và thể chất.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
"Chúng cháu thích chơi ở đây lắm vì có nhiều đồ chơi màu sắc. Ở đây, cháu được chơi cùng các bạn. Vui ơi là vui. Sau lúc đi học về, ông bà đưa con xuống đây chơi. Con thích nhất là xích lốp đu, trốn tìm và xếp hộp". Bạn Minh Đức nói.
“Không phải ai cũng có thời gian đến các khu giải trí đắt tiền. Ở những sân chơi cộng đồng với những đồ dùng quen thuộc đã phát huy tối đa sự tưởng tượng, rèn luyện thể chất, chơi với khí trời và thiên nhiên, tốt hơn là việc các con chỉ chơi ở trong nhà. Nhìn chúng chơi, ùa về trong tôi những ký ức tuổi thơ tuyệt vời”.
“Cháu thích ở chơi đây lắm. Cháu thích trò nhẩy lốp cao su, đu dây thử thách. Ở đây chơi thoải mái chứ không mệt như đi học. Những ngày nghỉ, cuối tuần rảnh, cháu chơi ở đây cả ngày cùng với các bạn mà không chán. Bé Huyền Trang 8 tuổinói.
Một sân chơi tái chế Thinkplayground ở Hà Nội. |
Đó là chia sẻ của các em nhỏ và phụ huynh tại một sân chơi đặc biệt ở quận Long Biên, Hà Nội. Đến đây, các em được vui đùa, thỏa sức sáng tạo với các đồ chơi như nhảy trên lốp xe, trò đu dây ở tầm thấp, cầu trượt ván gỗ, cầu bập bênh, chui qua lốp. Rất nhiều vật dụng tưởng như bỏ đi, dưới bàn tay khéo léo của các kiến trúc sư đã được sử dụng lại, tập hợp thành một không gian vui chơi vô cùng sinh động, đầy màu sắc. Đây là một trong rất nhiều mô hình sân chơi tái chế ở nhiều nơi mà các kiến trúc sư, kỹ sư của nhóm Think Playground dày công tạo dựng từ nhiều năm qua.
Nói về ý nghĩa của dự án vì cộng đồng này, anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, thành viên sáng lập nhóm cho biết: “Một trong điều chúng tôi tâm đắc nhất là khi nhìn thấy phản ứng của các em trước và sau khi có sân chơi. Chúng tôi quan sát và học hỏi các em cách chơi và điều gì làm cho các em hạnh phúc. Nhìn em chơi cũng là cách để những kiến trúc sư như tôi học cách thiết kế sân chơi. Nhiều người hỏi là cứ chơi mãi với các đồ này liệu chúng có chán không. Không hề chán, mà ngược lại bởi những đứa bé khi chơi cùng nhau thường tạo ra các kịch bản thiên biến vạn hóa. Ở không gian đó, trí tưởng tượng của các em sẽ phát huy tối đa như chơi game vậy. Việc chơi cùng nhau mới tạo ra những sáng tạo thực sự thú vị”.
Một góc sân chơi bằng lốp cao su ở sự kiện tại Hoàng Thành Thăng Long. - Ảnh TPG |
Tiêu chí của ThinkPlayGroung là phải tạo được một sân chơi với số tiền hợp lý nhất nhưng phải an toàn nhất và có độ bền lâu nhất có thể. Chi phí trung bình cho một sân chơi tái chế bình thường vào khoảng 10 triệu đồng..
"Ban đầu làm sân chơi, chúng tôi sử dụng nhiều loại vật liệu tái chế dần dần chúng tôi phải tìm hiểu nhiều hơn về vật liệu tái chế bởi vì sân chơi phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn là đầu tiên và khắt khe. Cộng đồng không phải ai cũng nghĩ vật liệu tái chế là hay mà nghĩ là rác. Nếu mình không xử lý tốt thì sau thời gian nó có thể trở thành một bãi rác. Đó là vấn đề mà các hội, nhóm sử dụng vật liệu tái chế phải đối mặt. Qua nhiều năm làm sân chơi, chúng tôi có trải nghiệm và thấy rằng lốp xe là vật liệu tốt và phù hợp nhất, còn các loại gỗ, dây thừng phải được lắp đặt ở nơi phù hợp. Tất cả phải được tính toán kỹ lưỡng trước khi triển khai. Tôi nghĩ, đó chính là cách tốt nhất để chúng tôi thuyết phục sự ủng hộ của cộng đồng.’’ Anh Đạt chia sẻ thêm,
Để mô hình sân chơi tái chế được biết đến rộng rãi hơn, Think Playground thường xuyên tổ chức các hoạt động như: Ngày vui chơi cho cộng đồng, sân chơi di động Play street, Sáng tạo với đồ tái chế Loose partplay, công viên lốp hay góc sáng tạo với rơm. Mới đây nhất tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) diễn ra sự kiện "Vương quốc tái chế". Đến đây trẻ em được thỏa sức thiên biến vạn hóa những gì chúng có thể tưởng tượng về cuộc sống… từ nhiều đồ tái chế như gỗ, lốp cao su, rơm, hộp sữa, mùn cưa, lá cây, ống hút nhựa...
Chị Chu Kim Đức, đồng sáng lập Think PlayGround cho rằng, không gian tái chế không chỉ tạo sân chơi thư giãn mà còn giáo dục các em ý thức về bảo vệ môi trường: "Những nguyên vật liệu tái chế được chúng tôi thu gom từ nhiều nguồn khác nhau nhà nào có các đồ cũ như nồi niêu xoong chảo, hộp sữa, chai nhựa thì mang đến đóng góp cho sự kiện. Ngoài ra, chúng tôi xin ở các xưởng gỗ, về nông thôn xin rơm, rạ. Tại Hoàng Thành Thăng Long huy động bố mẹ, các bé quét lá rồi gom thành đống to để các em làm gì chúng thích. Chúng tôi nhận thấy, các em đặc biệt thích sáng tạo những gì theo cách riêng mình, hơn là những đồ chơi được thiết kế sẵn."
Các em vô cùng thích thú với những trò chơi trải nghiệm thực tế. - Ảnh TPG |
Sau hơn 6 năm hoạt động, nhóm Think Playground đã tạo dựng được 175 sân chơi tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành, vùng sâu xa như đảo Cù Lao Chàm, huyện đảo Lý Sơn....Với sự ủng hộ của các tình nguyện viên, tổ chức phi chính phủ và sự đóng góp không nhỏ của các tổ dân phố, cộng đồng dân cư.., Dự án Think PlayGround đang đem đến món quà tinh thần vô cùng bổ ích cho các em thiếu nhi ở nhiều vùng miền đất nước.
Với những đóng góp thiết thực cho cộng đồng, Think playground đã giành được nhiều giải thưởng về đô thị xanh như GreenCity của Đại sứ quán Đan Mạch, Urban 95 của quỹ Bennett Valley. Nhóm cũng là tổ chức khởi xướng về nâng cao nhận thức quyền được chơi của trẻ em và ý nghĩa của chơi ngoài trời trong giáo dục.
Những hình ảnh tại sự kiện Vương quốc tái chế ở Hoàng Thành Thăng Long Think Playground tổ chức nhân dịp Tết thiếu nhi 01/06/2020.
Chơi dựng lều bằng cây tre và lá chuối. |
Các em luôn hào hứng và thích thú với các hoạt động của sự kiện.. |
Sáng tạo với gỗ. Ảnh TPG |
Các em luôn được sự hỗ trợ của các cô chú tình nguyện viên của Thinhk Playground.
Ảnh TPG |
Những trò chơi như vậy giúp phát duy tối đa sự tưởng tượng và sáng tạo của trẻ.
- Ảnh TPG |