Bảo vệ trẻ em thế hệ số - cần nhiều giải pháp

Bùi Hằng
Chia sẻ
(VOV5) - Sự phát triển của công nghệ và mạng internet đang có những tác động to lớn đối với trẻ em. 

Sự phát triển của công nghệ và mạng internet đang có những tác động to lớn đối với trẻ em. Trẻ em học nhiều điều từ mạng internet, song môi trường trên mạng cũng mang lại rất nhiều rủi ro, nguy cơ xâm hại, mất an toàn cho trẻ em. Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cần có giải pháp hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo, nhận biết và ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn có thể gây hại các em trên môi trường mạng. 

Theo Viện nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children), hơn 66% trẻ em Việt Nam có cơ hội tiếp cận thiết bị kết nối Internet.

Trong đó, hơn 43% có thời gian sử dụng trung bình từ 1-3 tiếng trong ngày. Trong năm 2018, Việt Nam có hơn 706 nghìn vụ báo cáo về hình ảnh/video xâm hại tình dục trẻ em trên mạng. Mặc dù quy định về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được đề cập tại Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Luật An toàn thông tin năm 2018, Luật An ninh mạng 2018..., song còn thiếu nhiều thiết chế để bảo vệ trẻ em.

Bảo vệ trẻ em thế hệ số - cần nhiều giải pháp - ảnh 1 Giáo dục về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em là rất cần thiết. Ảnh Báo CATPHCM

Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, Giám đốc Chính sách Mạng xã hội Tik Tok, mạng xã hội là môi trường trẻ em tiếp cận nhiều nhất, sớm nhất và tác động đa chiều nhất. Do đó, các kênh có nhiều trẻ em sử dụng như facebook, youtube, tik tok cần đồng hành, triển khai các chiến dịch truyền thông 2 chủ đề quan trọng, đó là nâng cao kỹ năng sống và phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Ông Nguyễn Lâm Thanh cho rằng việc kiểm soát chặt chẽ lứa tuổi được tham gia mạng xã hội là vô cùng cần thiết: "Chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các Hiệp hội liên quan đến internet và cố gắng thay đổi bộ quy tắc giữa người dùng với nhà mạng tại Việt Nam và phù hợp với pháp luật và đạo đức để từ đó xây dựng một quy trình kiểm duyệt riêng cho Việt Nam. Trên Tik tok thì chúng tôi tiền kiểm, quyết định cài đặt thêm chức năng kiểm soát tuổi và cái này bắt buộc phải làm. Một vấn đề nữa là các nhà mạng phải có chương trình nâng cao kỹ năng sống trên môi trường mạng."

Để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin Truyền thông, cần có các giải pháp hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, cần bảo vệ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác của trẻ em khi trẻ em tiếp cận thông tin, tham gia các hoạt động trên môi trường mạng.      

"Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa kỹ năng số vào trường học. Kỹ năng số là một nội hàm rất rộng, không phải chỉ có câu chuyện là để bảo vệ trẻ em. Hiện nay, chúng tôi cũng đang giao cho một số đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông kết nối với Bộ Giáo dục và Đào tạo để bàn tính chuyện này, trong đó có vai trò của truyền thông, vai trò của nhà trường, vai trò của gia đình." - Ông Lâm cho biết,

Việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cần được cụ thể hóa như trên môi trường thực, thậm chí còn cần nhiều yếu tố bảo vệ hơn bởi trên mạng không có giới hạn phạm vi khoảng cách địa lý, vai vế… Song song với việc trang bị kỹ năng cho trẻ, trách nhiệm của những doanh nghiệp công nghệ thông tin là xây dựng hệ sinh thái dành cho trẻ em lành mạnh, hấp dẫn thu hút trẻ em, để trẻ em tránh xa các yếu tố xấu, độc trên môi trường mạng.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu