Nâng cao chất lượng đời sống của người dân là một trong những mục tiêu mà thành phố Hà Nội luôn hướng tới trong quá trình phát triển. Những năm qua, thành phố đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp, đặc biệt ưu tiên dành nhiều nguồn lực, để hỗ trợ các hội nghèo. Nhờ đó, đời sống của nhân dân Thủ đô ngày một cải thiện.
Trao tặng bò giống sinh sản cho các hộ nghèo là giải pháp hiệu quả trong
công tác giảm nghèo. Ảnh: hanoimoi.vn |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Đông, thôn Xuân Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, và bà Kiểu Thị Mai, xã Tam Đồng, huyện Mê Linh, chỉ là 2 trong số nhiều hộ nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ sinh kế của thành phố Hà Nội thời gian qua. Từ khi được hỗ trợ xây nhà, hỗ trợ phương tiện sản xuất (như: bò sinh sản, xe máy, máy khâu, máy cày…) các hộ nghèo, cận nghèo thêm yên tâm “an cư, lạc nghiệp”, có việc làm, từ đó tăng thu nhập, cuộc sống được cải thiện. Tại một số địa bàn còn nhiều hộ nghèo của thành phố, như: Ba Vì, Phúc Thọ, giảm nghèo được lồng ghép trong các chương trình xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Đức Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, cho biết: “Số lượng người nghèo trên địa bàn huyện trong hơn 10 năm qua đã giảm hơn 5.000 hộ. Xây dựng nông thôn mới thì người dân phải được hưởng lợi và giúp cho người dân có đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng lên, đặc biệt là với hộ nghèo, hộ cận nghèo”.
Đến nay, Hà Nội đã giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,095%. Hiện, 16/30 quận, huyện của thành phố không còn hộ nghèo. Kết quả này minh chứng cho thành công của thành phố Hà Nội khi triển khai các chương trình xóa đói giảm nghèo, kết hợp với việc phân bổ hợp lý quỹ “Vì người nghèo” trong 2 năm qua (2022-2023). Theo đó, thành phố đã chi trên 114 tỷ đồng (hơn 4,65 triệu USD) xây dựng gần 980 nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ phương tiện sản xuất cho hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Cùng với đó là việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng, chính sách xã hội, tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại lễ phát động tháng “Vì người nghèo”. Ảnh: hanoimoi.vn |
Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025, Hà Nội hiện còn trên 2.100 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,095%; hơn 22.200 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0.99%. Trong đó, có trên 2.600 hộ gặp khó khăn về nhà ở cần hỗ trợ để xây mới và sửa chữa, và nhiều hộ có nhu cầu được hỗ trợ phương tiện, công cụ lao động, sản xuất, tạo việc làm để có thể vươn lên thoát nghèo. Do đó, thời gian tới, chính quyền thành phố sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để đến năm 2025 “cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn mới”. Phó Bí thư thành ủy Hà Nội, Nguyễn Văn Phong, cho biết: “Thời gian tới, thành phố Hà Nội phải làm một khối lượng lớn công việc để giảm nghèo bền vững và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa khu vực trung tâm với các vùng xa trung tâm, nâng cao cuộc sống của người dân về mọi mặt. Các công việc này đòi hỏi chính quyền cũng như Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục phải quan tâm đến công tác này nhiều hơn nữa, trên tinh thần mọi lợi ích của người dân phải được đặt lên trên, lấy sự thụ hưởng, sự bằng lòng, niềm hạnh phúc của người dân là thước đo cho mọi hoạt động của hệ thống chính trị. Thành phố nỗ lực để người dân Hà Nội có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn”.
Cùng với các chính sách được triển khai thường xuyên, trong tháng 10 này, thành phố Hà Nội phát động tháng cao điểm “Vì người nghèo” nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội trong công tác hỗ trợ người nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn. Phát biểu tại lễ phát động tháng “Vì người nghèo” hôm 04/10, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Trần Sỹ Thanh, kêu gọi: Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2023 là dịp để mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố và Nhân dân Thủ đô tiếp tục thể hiện “Tinh thần tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân”; bằng những hành động thiết thực cụ thể, hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, chung tay thực hiện mục tiêu hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo; trao sinh kế, tạo giá đỡ an sinh, giúp người nghèo có cuộc sống tốt hơn và cơ hội thay đổi cuộc đời”.
Bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng của thành phố Hà Nội. Những nỗ lực giảm nghèo mà thành phố đạt được trong thời gian qua đã tạo nên điểm sáng an sinh của Thủ đô.