Xây dựng hệ thống chính sách xã hội hướng tới toàn dân và phát triển bền vững đất nước

Thu Hoa
Chia sẻ
(VOV5) - Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội của BCH TƯ kỳ này được kế thừa và đổi mới, bổ sung, phát triển nhiều nội dung quan trọng so với Nghị quyết TƯ 5 khóa XI.

Tại Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XIII, trong các ngày từ 2-8/10, Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới. Theo chủ trương này, hệ thống chính sách xã hội của Việt Nam từ nay đến năm 2030 sẽ được xây dựng, hướng đến toàn dân, toàn diện, đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội, tạo cơ hội phát triển cho mọi người dân để không ai bị bỏ lại phía sau.

Xây dựng hệ thống chính sách xã hội hướng tới toàn dân và phát triển bền vững đất nước - ảnh 1Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII họp phiên bế mạc - Ảnh: VOV

Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội của Ban Chấp hành Trung ương kỳ này được kế thừa và đổi mới, bổ sung, phát triển nhiều nội dung quan trọng so với Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI.

Hướng tới toàn dân, toàn diện và phát triển bền vững

Về phạm vi và cách tiếp cận, Nghị quyết của Trung ương lần này mở rộng ra toàn bộ các chính sách xã hội, tập trung vào đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cách tiếp cận cũng được điều chỉnh, từ bảo đảm và ổn định sang ổn định và phát triển; gắn với quản lý phát triển xã hội bền vững, nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người, an ninh xã hội.

Về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, đồng thời với việc tiếp tục khẳng định, kế thừa những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Trung ương 5 khoá XI đã được thực tế kiểm nghiệm là đúng đắn, Nghị quyết lần này sẽ bổ sung, phát triển, làm rõ hơn những nhận thức mới về công tác xã hội trong bối cảnh tình hình và yêu cầu nhiệm vụ mới, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, ngày 8/10, đã khẳng định: "Chính sách xã hội là chính sách đối với con người, vì con người, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải luôn lấy con người làm trung tâm; coi đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển. Chính sách xã hội phải hướng tới toàn dân, bảo đảm toàn diện, công bằng, hiện đại, bao trùm, bền vững; an sinh xã hội phải được chú trọng hơn nữa và bảo đảm sự linh hoạt, thích ứng với các tình huống xấu xảy ra trên diện rộng, bảo vệ toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau".

Xây dựng hệ thống chính sách xã hội hướng tới toàn dân và phát triển bền vững đất nước - ảnh 2Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc - Ảnh: VOV

Tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam đã nêu quan điểm rõ ràng, rằng: chính sách xã hội cần được đặt trong tổng thể việc quản lý phát triển xã hội bền vững, giải quyết hài hoà các quan hệ xã hội, kiểm soát phân tầng xã hội và xử lý kịp thời, hiệu quả các rủi ro, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội là nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược, phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng; sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước; sự giám sát thường xuyên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; sự đồng thuận và hưởng ứng tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Tiếp tục thúc đẩy thành quả an sinh xã hội của Việt Nam

Việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nhất trí cao ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới là cột mốc quan trọng, tiếp tục khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thực hiện chính sách xã hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Giáo sư Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, bình luận: "Phát triển xã hội, phát triển con người, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân luôn là mục tiêu cốt lõi của Việt Nam trong suốt quá trình phấn đấu, phát triển và xây dựng đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, cùng với những nỗ lực phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng, quan tâm thực hiện các chính sách xã hội theo phương châm: Tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển, với mục tiêu là mang lại hạnh phúc ngày càng nhiều cho nhân dân".

Việc Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nhất trí cao ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, cũng sẽ là cơ sở quan trọng để toàn Đảng, toàn dân tiếp tục bồi đắp, khẳng định thành quả an sinh xã hội mà Việt Nam đã đạt được, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (năm 2012) về chính sách an sinh xã hội.

Theo đó, tính đến năm ngoái, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt gần 3.900 USD, tăng gấp 39 lần so với năm 1990. Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ 0,48 năm 1990 lên 0,703 vào năm 2021, tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, lên vị trí 115/191 quốc gia. Từ chỗ hơn 60% dân số nghèo đói (năm 1990), tỉ lệ hộ nghèo của Việt Nam chỉ còn 2,23%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2% vào năm ngoái. Chính sách bảo hiểm xã hội đã là trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội, với 17,5 triệu người tham gia, chiếm tỷ lệ 38,08% lao động trong độ tuổi. Các chính sách trợ giúp xã hội khác đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng, chiếm 3,5% dân số và 100% đối tượng bảo trợ xã hội được trợ cấp xã hội thường xuyên.

Những thành quả về an sinh xã hội nêu trên đã được cộng đồng quốc tế công nhận, cũng sẽ là cơ sở vững bền để Việt Nam thực hiện tốt các định hướng và mục tiêu về an sinh xã hội mà Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương khóa XIII sẽ ban hành tới đây.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu