Sau 7 ngày làm việc (2 - 8/10), sáng nay (8/10), tại Trụ sở Trung ương Đảng, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khoá XIII họp phiên bế mạc dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII - Ảnh: Ngọc Thành |
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Hội nghị thống nhất cao rằng mặc dù tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Trên cơ sở đó, Tổng bí thư nhấn mạnh những việc cần triển khai trong những tháng còn lại của năm nay và năm 2024 - năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: "Chúng ta cần tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các chủ trương, chính sách và mục tiêu, nhiệm vụ đã được Trung ương thảo luận kỹ lưỡng và thống nhất đề ra trong Kết luận của Hội nghị lần này. Tập trung ưu tiên thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục theo dõi sát tình hình quốc tế và trong nước để kịp thời có những quyết sách phù hợp, hiệu quả; phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của năm 2023 và cả nhiệm kỳ khoá XIII. Ban cán sự đảng Chính phủ cần khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Trung ương để hoàn chỉnh các Tờ trình, Báo cáo, bảo đảm chất lượng, sát hợp với thực tế và có tính khả thi cao trình Quốc hội xem xét, quyết định".
Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng cho biết Ban Chấp hành Trung ương đã nhất trí cao ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội với nhiều nội dung kế thừa, đổi mới, bổ sung, phát triển quan trọng so với Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI (năm 2012). Nghị quyết mới đã mở rộng ra toàn bộ các chính sách xã hội, tập trung vào đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trung ương đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp mới, sát với tình hình thực tế và có tính khả thi cao.
Về phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị cần phải khẩn trương, nghiêm túc xây dựng, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách, tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ phát triển mới. Bổ sung, hoàn thiện luật pháp, chính sách sát hợp với tình hình mới để phát huy tốt hơn nữa sức mạnh của tất cả các tầng lớp nhân dân.
Hội nghị cũng nhất trí phải ban hành Nghị quyết mới của Trung ương về tiếp tục xây dựng đội ngũ trí thức nước nhà, bồi đắp nguyên khí quốc gia vững mạnh hơn nữa, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và chấn hưng văn hoá, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.
Liên quan đến việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khoá XI (năm 2013) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhất trí khẳng định trong giai đoạn phát triển hiện nay và sắp tới, Việt Nam phải ban hành và tổ chức thực hiện thật tốt Nghị quyết mới của Trung ương về nhiệm vụ chiến lược đặc biệt quan trọng này. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: "Bối cảnh tình hình mới đòi hỏi chúng ta luôn luôn giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; dựa vào dân, lấy "dân là gốc", khơi dậy, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống văn hoá, yêu nước, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng "thế trận lòng dân", lấy "yên dân" là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chú trọng bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên quyết, kiên trì, chủ động tạo lập thời cơ, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định và điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển đất nước".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu ngay sau Hội nghị này, Bộ Chính trị sớm xem xét quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2026 - 2031, làm cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát đối với những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch; kịp thời phát hiện, giới thiệu bổ sung quy hoạch báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét ở các Hội nghị sau.
Tại Hội nghị, Trung ương cũng thống nhất quyết định thành lập 5 Tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIV của Đảng cộng sản Việt Nam.