BS Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TP HCM, Trưởng Trung tâm nghiên cứu HOPE, Bệnh viện đa khoa Mỹ Đức cho biết: Đoàn gồm 4 bác sĩ, chuyên gia có hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản ở Australia, có tiếng nói uy tín tại các hội nghị quốc tế.
Trưởng đoàn là Giáo sư William Ledger, Trưởng Bộ môn Sức khoẻ Phụ nữ, Khoa Y, Đại học New South Wales (UNSW), Trưởng trung tâm IVF "Fertility and Research Centre" (FRC) của UNSW tại Sydney, một “cao thủ” làm IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) trên thế giới. Ông cũng giữ nhiều vị trí quan trọng trong giới Sản Phụ khoa của Australia. Giáo sư William Ledger vốn là người Anh, trước khi chuyển qua Australia sống, ông là giáo sư của Đại học Sheffield và Đại học Oxford ở Anh Quốc. Những người còn lại trong đoàn là Devora Lieberman- Giám đốc Y khoa, Helen Peric- chuyên gia hỗ trợ sinh sản, Emmy Hung- Giám đốc Phòng thí nghiệm IVF của City Fertility- đơn vị làm IVF hàng đầu của Australia.
Ảnh: Bác sĩ Lê Long Hồ giải thích về kỹ thuật, trong khi các chuyên gia Úc chăm chú quan sát BS Vương Thị Ngọc Lan thực hiện chọc hút trứng IVM.
|
Đội hình UNSW và đối tác chuẩn bị thực hiện các trường hợp CAPA-IVM đầu tiên của nước Australia vào tháng 9/2022. Nhóm tiên phong CAPA-IVM của Australia sang Việt Nam để học hỏi về các quy trình kỹ thuật và kinh nghiệm của các bác sĩ hỗ trợ sinh sản Việt Nam.
CAPA-IVM là một kỹ thuât mà hiện nay Việt Nam đang đi đầu thế giới. Cho đến nay, nhóm nghiên cứu của Việt Nam (đứng đầu là các bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan- phó giáo sư Trưởng Khoa Y, kiêm Trưởng Bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP HCM và Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TP HCM (HOSREM), Trưởng Trung tâm nghiên cứu HOPE, Bệnh viện đa khoa Mỹ Đức) đã có 12 bài báo công bố quốc tế về IVM, đặc biệt là về kỹ thuật IVM cải tiến, với tên gọi là CAPA-IVM.
Các báo cáo công bố trên các tạp chí y khoa uy tín thế giới cho thấy tỷ lệ có thai sau chuyển phôi của kỹ thuật CAPA-IVM không kém hơn so với thụ tinh ống nghiệm cổ điển là IVF. CAPA là tên gọi của một bước cải tiến quan trọng trong hệ thống nuôi cấy, làm tăng chất lượng trứng, tăng tỷ lệ đậu thai, được triển khai từ 2016. Kỹ thuật CAPA-IVM là kết quả của một công trình khoa học hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ. Đây cũng là một dự án được NAFOSTED (Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia Việt Nam) tài trợ.
Nuôi trứng non trưởng thành trong ống nghiệm (In Vitro Maturation - viết tắt là IVM) là phương pháp lấy trứng từ buồng trứng (chưa được kích thích bằng hormone) đem nuôi cấy trong môi trường chuyên biệt tại phòng thí nghiệm. Với IVM, bệnh nhân không dùng thuốc kích thích buồng trứng, hoặc dùng thuốc rất ít. Thay vì để trứng trưởng thành trong cơ thể, bác sĩ sẽ lấy trứng non nhỏ li ti từ những nang trứng nhỏ, sau đó nuôi trưởng thành trứng non trong ống nghiệm, rồi cho thụ tinh với tinh trùng, tạo thành phôi như bình thường. Với thụ tinh ống nghiệm cổ điển, sản phụ thường phải tiêm thuốc kích thích buồng trứng trong nhiều tuần liên tiếp. Việc theo dõi điều trị tốn kém và mất nhiều thời gian. Ngoài ra, tiêm thuốc kích thích buồng trứng còn có thể gây biến chứng. Kỹ thuật mới này mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, nhưng đội ngũ nhân viên y tế phải đòi hỏi trình độ chuyên môn cao hơn và làm việc vất vả hơn.
CAPA-IVM là một kỹ thuât mà hiện nay Việt Nam đang đi đầu thế giới. |
Trong 5 năm qua, đã có nhiều nhóm chuyên gia từ các nước như Indonesia – Malaysia, Australia, Bỉ, Đan Mạch, Mỹ… sang Việt Nam tham quan, thực tập về kỹ thuật CAPA-IVM tại Bệnh viện đa khoa Mỹ Đức. Năm 2018, Bệnh viện Mỹ Đức đã phối hợp với Hội Sinh sản Châu Á-Thái Bình Dương (ASPIRE) tổ chức một hội thảo- tập huấn quốc tế về CAPA-IVM với sự tham gia của hơn 90 chuyên gia từ 14 nước trên thế giới.
Được biết, Bệnh viện Mỹ Đức hiện cũng đang sắp xếp chuẩn bị đón 1 nhóm chuyên gia Pháp và 1 nhóm chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ sang tham quan, học tập về CAPA-IVM.