Hôm nay (25/05), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm trong việc vận hành và nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực tại Việt Nam” (OSSCs).
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Giai đoạn chuyển tiếp của UNFPA về Xây dựng mô hình ứng phó với bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam, do KOICA tài trợ, được thực hiện từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2023,”.
Dự án nhằm đảm bảo tính bền vững của mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa (hay “Ngôi nhà Ánh Dương”) tại Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phát biểu. Ảnh Hà Linh |
Nói về tính hiệu quả và sự cần thiết của mô hình OSSCs, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: "Trong thời gian qua, Việt Nam đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện các biện pháp nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Với quan điểm lấy người bị bạo lực làm trung tâm trong quá trình cung cấp dịch vụ, việc thảo luận các giải pháp nhằm nhân rộng mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa như Ngôi nhà Ánh dương là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, nhằm hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới được tiếp cận các dịch vụ tổng hợp, thiết yếu và có chất lượng. Để làm được điều này đòi hỏi sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là phải có cơ chế phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trong việc hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới”.
Ông Cho Han-Deog, Giám đốc quốc gia của KOICA tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Hà Linh |
Đánh giá cao hiệu quả của mô hình này tại Việt Nam, ông Cho Han-Deog, Giám đốc quốc gia của KOICA tại Việt Nam cho biết lý do KOICA chọn tiếp tục hợp tác với chính phủ Việt Nam và Quỹ dân số Liên hợp quốc trong giai đoạn 2 của dự án này:
“Vì Việt Nam là đối tác phát triển quan trọng nhất của Hàn Quốc. Lý do nữa bạo lực giới không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà của cả thế giới. Chính vì thế, hỗ trợ xử lý vấn đề này tại Việt Nam cũng là cách chúng tôi góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu nói chung. Trên cơ sở kết quả rất ấn tượng của giai đoạn, KOICA quyết định cung cấp một khoản tài trợ trị giá 5 triệu đôla cho giai đoạn tiếp theo từ 2023-2026. Trọng tâm là sẽ mở rộng thêm 2 mô hình nhà Ánh Dương nữa tại Khánh Hòa và Hà Tĩnh. Hi vọng mô hình này sẽ đáp ứng tốt các nhu cầu cho những nạn nhân bị bạo lực giới, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định lại cuộc sống”. Ông Cho Han-Deog nói,.
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và bà Naomi Kitahara, trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam điều phối thảo luận, đề xuất các khuyến nghị nhằm nhân rộng mô hình OSSCs tại Việt Nam. Ảnh Hà Linh |
Ngôi nhà Ánh Dương đầu tiên được thành lập tại Quảng Ninh vào tháng 4/2020 do KOICA tài trợ, giai đoạn 2017-2021 với tổng kinh phí là 2,5 triệu USD. Sau hơn 2 năm thành lập và hoạt động, mô hình đã khẳng định được hiệu quả, tính ưu việt trong việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bị bạo lực trên cơ sở giới. Năm 2022 đã có thêm 3 Ngôi nhà Ánh Dương được thành lập tại Thanh Hóa, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh với sự hỗ trợ tài chính từ Chính phủ Nhật Bản. Các chi phí vận hành sau đó được chi trả bằng nguồn tài trợ từ Chính phủ Australia.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam. |
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, nhấn mạnh “Mặc dù 4 Ngôi nhà Ánh Dương đang hoạt động hiệu quả, song nhu cầu hỗ trợ người bị Bạo lực giới vẫn còn rất cao. UNFPA muốn đảm bảo rằng tất cả phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam, bao gồm cả những đối tượng dễ bị tổn thương nhất, có quyền được sống một cuộc sống không có bạo lực và không bị tổn hại về nhân phẩm. Phụ nữ và trẻ em gái sẽ không bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030.
Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí rằng, việc nhân rộng mô hình Trung tâm Dịch vụ Một cửa ( Ngôi nhà Ánh Dương) là hoàn toàn phù hợp với luật pháp và những chính sách ưu tiên của Việt Nam trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình hiện nay, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự phối hợp và tham gia vào cuộc của các cơ quan liên quan trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho những người bị bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình.
Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp các dịch vụ thiết yếu, toàn diện và tích hợp cho phụ nữ và trẻ em gái đang bị hoặc có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới (BLG) và bạo lực gia đình. Ngôi nhà Ánh Dương cung cấp nhiều loại hình dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm chăm sóc y tế, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, các dịch vụ xã hội, nơi tạm lánh khẩn cấp, bảo vệ của công an, các dịch vụ pháp lý và tư pháp cũng như các dịch vụ chuyển tuyến. Tất cả các dịch vụ được cung cấp tại Trung tâm dịch vụ một cửa đều dựa trên nguyên tắc lấy người bị bạo lực làm trung tâm, trong đó người bị bạo lực được tôn trọng và nhân phẩm được bảo vệ, đồng thời được đảm bảo về quyền riêng tư và bảo mật.