Trong 2 năm 2020-2021, du lịch là lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất do ảnh hưởng dịch Covid-19. Bước sang năm 2022, Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đầu tiên mở cửa du lịch và không có rào cản hạn chế du khách.
Khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam) là điểm đến hấp dẫn khách quốc tế. |
Dữ liệu từ công cụ tìm kiếm điểm đến của Google cho thấy Việt Nam liên tục nằm trong top điểm đến dẫn đầu thế giới về mức tăng trưởng lượng tìm kiếm thông tin du lịch. Đặc biệt, ngày 15/3, Việt Nam công bố chính thức mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới trên tất cả các cửa khẩu, bằng đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không. Khôi phục toàn bộ chính sách visa như trước Covid-19.Nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt tốt thời cơ, kinh doanh bứt tốc.
Thủ tướng chủ trì hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế ngày 21/12/2022. Ảnh: kinhtedothi.vn |
Bà Nguyễn Thị Bích Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến, cho rằng: "Đối với Vĩnh Tiến, năm 2021 khu du lịch phải đóng cửa 8 tháng, trong năm 2020 đóng cửa 6 tháng… Vấn đề quan trọng nhất để mỗi doanh nghiệp tự tồn tại, phải rà soát lại toàn bộ hoạt động, rồi tiết kiệm chi phí, cân đong, đo đếm được tất cả các nguồn cần chi… Đến khi du lịch được mở cửa trở lại, doanh nghiệp đã thu hút được rất nhiều khách. Đợt hè 2022 vừa qua, khu du lịch bãi đỗ xe không lúc nào trống hết, khách bùng nổ đi du lịch. Mọi người sau 2 năm ảnh hưởng dịch bị kìm nén, năm nay họ lại được đi, do đó, doanh nghiệp đã đón đầu được tất cả những dòng suy nghĩ và đã thành công trong năm 2022 này".
11 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 2,95 triệu lượt, gấp 21 lần so với cùng kỳ năm 2021, tổng số khách nội địa đạt trên 96 triệu lượt, cao hơn tổng lượng khách cả năm 2019. Kết quả quan trọng này là nền tảng tốt để doanh nghiệp lữ hành và toàn ngành du lịch tự tin tiến bước trong năm 2023.
Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam, diễn ra ngày 21/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Chúng ta phải thay đổi tư duy làm du lịch sau đại dịch của Covid-19; linh hoạt hơn trong cách tiếp cận với du lịch; đa dạng hóa thị trường và sản phẩm; cung cấp những dịch vụ mà khách du lịch cần chứ không phải cung cấp dịch vụ mà chúng ta có. Đây cũng là thời cơ để chúng ta cơ cấu, cấu trúc lại ngành du lịch của Việt Nam. Phát triển du lịch là phải đặt trong tổng thể phát triển các ngành kinh tế khác và phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa, phát triển du lịch xanh và bền vững; phải chú trọng đến tính chuyên nghiệp, hiện đại, đa dạng bản sắc độc đáo riêng có của Việt Nam, phải kiên định mục tiêu nhưng hết sức linh hoạt thích ứng, luôn đổi mới, sáng tạo, gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số".
Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, trong đó miễn visa cho 24 quốc gia và vùng lãnh thổ; khôi phục lại quy trình và thủ tục xuất nhập cảnh như trước dịch Covid-19; áp dụng visa điện tử cho 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cùng các doanh nghiệp đang nỗ lực để thu hút du khách trong nước và quốc tế, để du lịch Việt Nam phục hồi và phát triển bền vững.