Kỳ thi chứng chỉ tiếng Đức ECL – Thêm cơ hội cho người học tiếng Đức tại Việt Nam

Thúy Hằng
Chia sẻ
(VOV5) -  Việc kỳ thi ECL tiếng Đức, được tổ chức tại Việt Nam, mang lại cơ hội cho người học có thêm lựa chọn.

Từ tháng 12 năm 2020, Hiệp hội khảo thí ngôn ngữ châu Âu (ALTE: Association of Language Testers in Europe) đã trao chứng nhận chất lượng cho các kỳ thi ECL bằng tiếng Đức như một ngoại ngữ. Theo đó, chứng chỉ tiếng Đức ECL được công nhận trên toàn châu Âu, giống các chứng chỉ khác như Goethe, ÖSD, telc và TestDaF.

Trong hơn hai năm qua, hội đồng thi ECL tại VN đã tổ chức được hơn 9 kỳ thi với sự tham gia của hơn 2000 thí sinh. Thí sinh ở Việt Nam đón nhận kỳ thi này như thế nào? Các chuyên gia và đội ngũ giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy tiếng Đức tại Việt Nam có ý kiến như thế nào về kỳ thi này? Và rất nhiều câu hỏi  xoay quanh kỳ thi được giải đáp ở buổi tọa đàm chuyên sâu diễn ra tại trường ĐH Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Kỳ thi chứng chỉ tiếng Đức ECL – Thêm cơ hội cho người học tiếng Đức tại Việt Nam - ảnh 1Các khách mời tham dự hội thảo chuyên đề

Trước giờ diễn ra buổi tọa đàm chuyên sâu về kỳ thi ECL tiếng Đức, hội trường tầng 2 tòa nhà Sunwah tại Trường ĐH Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội nhanh chóng được lấp đầy. Hơn 50 khách mời là những giảng viên, chuyên gia đầu ngành trong giảng dạy tiếng Đức.

Đặc biệt, bà Réka Werner, Giám đốc Trung tâm khảo thí ECL quốc tế tại châu Âu, đã cung cấp nhiều thông tin hữu ích về kỳ thi ECL: "Khi tham gia kỳ thi ECL, thí sinh có thể chọn phần thi tổng hợp hoặc một trong hai phần thi là nói hoặc viết.Phần thi tổng hợp bao gồm 4 kỹ năng, nghe, nói, đọc viết. Phần thi viết bao gồm kỹ năng đọc và viết và phần thi nói bao gồm kỹ năng nghe và nói. Tại sao điều này lại quan trọng? Vì khi đăng ký thi, rất có thể thí sinh sẽ không tự tin rằng bản thân có thể đỗ hết cả 4 kỹ năng cùng lúc, mà chỉ đỗ một phần của kỳ thi. Theo như con số thống kê qua các kỳ thi tại VN, đa số các thí sinh chưa đỗ kỳ thi tổng hợp đã vượt qua phần thi viết. Nên trong lần thi thứ hai, các thí sinh chỉ cần hoàn thành phần thi nói, như vậy sẽ đỡ áp lực hơn, và họ cũng không bắt buộc phải ôn thi lại tất cả bốn kỹ năng.“

Kỳ thi chứng chỉ tiếng Đức ECL – Thêm cơ hội cho người học tiếng Đức tại Việt Nam - ảnh 2Bà Réka Werner, Giám đốc Trung tâm khảo thí ECL quốc tế tại châu Âu.

Tổ chức châu Âu về việc công nhận chứng chỉ đạt được trong ngôn ngữ hiện đại ECL (European Consortium for the Certificate of Attainment in Modern Languages) được một nhóm chuyên gia kiểm tra đánh giá ngôn ngữ quốc tế phát triển từ 1983 đến 1992. Và kể từ năm 1999, ECL hoạt động tại Ban thư ký Ngoại ngữ, thuộc Đại học Pécs, Hungary. Trung tâm khảo thí ECL quốc tế được phép khảo thí và cấp chứng chỉ cho 15 ngôn ngữ khác nhau, tiếng Đức là một trong số đó. Hiện tại ECL có đại diện tổ chức kỳ thi tại 26 quốc gia trên toàn thế giới và mỗi năm diễn ra 6 kỳ thi tiếng Đức từ trình độ A2 đến C1.

Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần IBA-Việt Nam là đơn vị duy nhất được ủy thác tổ chức các kỳ thi ECL tại Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có các kỳ thi tiếng Đức. Theo bà Werner, đây là thành quả của nỗ lực đàm phán trong nhiều năm: "Chúng tôi đã hợp tác cùng với IBA được 6 năm nay với mục tiêu là đưa kỳ thi ECL về Việt Nam. Tôi rất hài lòng với việc tổ chức và quản lý kỳ thi ECL của IBA, mặc dù lượng thí sinh thi khá đông, nhưng mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ. Các thí sinh thi ECL ở VIệt Nam thường đạt điểm rất khá ở phần thi đọc-viết và gặp khó khăn nhiều hơn ở phần thi nghe-nói. Nếu so với các thí sinh ở các quốc gia khác, chúng tôi cũng không thể nói là thí sinh Việt Nam tốt hơn hay tệ hơn. Nhìn vào thống kê thì tôi thấy trình độ các thí sinh ở Việt Nam đạt mức trung bình so với thế giới."

Sau 30 ngày kể từ ngày thi Đọc – Viết, thí sinh sẽ nhận được kết quả thi qua email từ Hội đồng ECL. Các bài thi đọc, viết và nghe đều được gửi về Hội đồng ECL tại Đại học Pécs để chấm điểm. Phần thi nói được thực hiện tại Việt Nam với các giám khảo do Hội đồng ECL đào tạo và cấp chứng chỉ.

Kỳ thi chứng chỉ tiếng Đức ECL – Thêm cơ hội cho người học tiếng Đức tại Việt Nam - ảnh 3Ông Lưu Trọng Nam, bà Réka Werner và ông Lê Hoài Ân (từ trái qua).

Theo ông Lê Hoài Ân, giảng viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Đức, Trường ĐH Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội, việc kỳ thi ECL tiếng Đức, được tổ chức tại Việt Nam, mang lại cơ hội cho người học có thêm lựa chọn: “Tôi cũng đã nghiên cứu nhiều dạng đề thi tiếng Đức. Tôi nghĩ rằng, kỳ thi tiếng Đức Goethe đã có truyền thống từ lâu đời. Và các thí sinh Việt Nam từ lâu đã rất quen thuộc với dạng đề thi này. Và trước đây thì Đại sứ quán Đức cũng chỉ chấp nhận bằng tiếng Đức của Goethe, ÖSD v.v… khi thí sinh nộp hồ sơ xin visa. Nhưng bây giờ chúng ta có nhiều sự lựa chọn hơn. Và tất cả các kỳ thi tiếng Đức đều phải đạt tiêu chuẩn trong Khung tham chiếu Ngôn ngữ chung châu Âu (GER), vì thế chúng ta không có đủ căn cứ để kết luận đơn giản rằng kỳ thi nào dễ hơn hay khó hơn. Trình độ B1 chưa đủ cho cuộc sống ở Đức. Nhưng trước hết chúng ta cần bằng B1 để có thể xin được visa, và sau đó để có thể sống và làm việc tại Đức chúng ta phải tiếp tục học để đạt được trình độ cao hơn. Theo tôi, những người giảng dạy tiếng Đức nên giới thiệu cho học sinh các kỳ thi tiếng Đức và các thí sinh sẽ tự mình quyết định họ sẽ tham gia kỳ thi nào.”

Nguyễn Thị Diễm Quỳnh, sinh viên năm thứ ba tại Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị, đã học tiếng Đức được 1 năm và thi đỗ kỳ thi ECL trình độ B1 tháng 9 năm 2022: "Em cũng đã tìm hiểu về các kỳ thi tiếng Đức. Khi em mới bắt đầu học thì ở VN chỉ có kỳ thi chứng chỉ của viện Goethe, sau này mới có kỳ thi ECL. Em có tìm hiểu và quyết định thi ECL vì thấy kỳ thi này được tổ chức khá bài bản và dạng đề phù hợp với mình. Lúc mới học em thấy tiếng Đức khá khó, nhưng sau trình A1, học kỹ và nắm chắc từ vựng, ngữ pháp, em thấy tiếng Đức cũng không quá khó. Em nghĩ rằng điều quan trọng đối với một thí sinh là nắm chắc kiến thức và chăm chỉ rèn luyện thì mới có thể đạt được kết quả tốt ở bất kỳ kỳ thi nào. Sau khi quyết định mình sẽ thi chứng chỉ nào, thí sinh nên tìm các dạng đề đó để luyện tập.“

Trong chuyến thăm của thủ tướng Đức Olaf Scholz vào tháng 11 năm 2022 tại VIệt Nam, hai bên nhất trí mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực dạy nghề và di cư lao động, sớm đàm phán, ký Hiệp định dạy nghề chất lượng cao và Hiệp định hợp tác di cư lao động có kỹ năng. Do đó, nhu cầu học tiếng Đức tại Việt Nam ngày càng tăng. Việc các kỳ thi tiếng Đức tại Việt Nam được tổ chức bài bản và minh bạch sẽ giúp người học nhanh chóng sang Đức học tập và làm việc, góp phần tăng cường hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực đào tạo nghề.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu