Nhà giáo Nguyễn Thế Tuyền: Làm sách để người Việt học tiếng Đức dễ dàng hơn

Phi Hà
Chia sẻ
(VOV5)- Nhà giáo Nguyễn Thế Tuyền là cựu sinh viên du học ở Đức, khoá học 1973- 1978, từng làm giảng viên một trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh. Cuối những năm 80 thế kỷ trước, anh trở lại CHDC Đức làm việc và ở lại từ đó đến bây giờ. Trải qua nhiều công việc khác nhau, nhưng cuối cùng anh ở lại với nghề giáo mà anh đam mê, dạy toán và dạy tiếng Đức cho người Việt và con em thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt ở Đức, cũng như biên soạn sách học tiếng Đức cho người Việt. Nhà giáo Nguyễn Thế Tuyền chia sẻ đôi điều về câu chuyện dạy và học tiếng Đức của người Việt. 
Nhà giáo Nguyễn Thế Tuyền: Làm sách để người Việt học tiếng Đức dễ dàng hơn - ảnh 1Nhà giáo Nguyễn Thế Tuyền

Nghe âm thanh phỏng vấn tại đây:

PV: Thưa nhà giáo Nguyễn Thế Tuyền, được biết anh đã có rất nhiều năm dịch sách rồi dạy tiếng Đức cho người Việt ở trên nước Đức. Anh có thể chia sẻ cho thính giả Đài Tiếng nói Việt Nam được biết về việc học ngôn ngữ tiếng Đức của người Việt Nam mình có những điều gì đáng chú ý không? Và câu chuyện anh đã soạn giáo trình tiếng Đức dành riêng cho người Việt?
Nhà giáo Nguyễn Thế Tuyền: Việc học tiếng Đức cũng như học ngoại ngữ khác phụ thuộc rất nhiều vào tiếng mẹ đẻ. Ai mà khá tiếng mẹ đẻ, trình bày trôi chảy một vấn đề hay là hay viết thì người đó học nhanh hơn rất nhiều ngôn ngữ giống nhau mà.
Nhưng mà đại đa số người Việt mình có thể nói rằng rất thụ động trong việc học ngôn ngữ. Người khác hỏi mình trả lời được thế là tưởng mình giỏi rồi, chứ không chủ động bắt câu chuyện, không triển khai nội dung phân tích gì hết. Đấy là điều rất thiệt thòi, một điều rất là khó. Mà giáo trình của tiếng Đức quá hay, quá hàn lâm, nhưng vì cao quá  nên nhìn thấy hay lúc đầu thôi, chứ đọc thấy khó hiểu quá là người ta bỏ luôn.
Nên tôi nghĩ ra cách phải làm sao cho tiếng Đức dễ hơn, mà vẫn bảo đảm được nội dung như thế. Tôi soạn nhiều ví dụ, gạch dưới những chỗ biến đổi, giải thích tại sao nó biến đổi, theo công thức, dạy các em học theo công thức như công thức toán, chỉ cần ghép đúng từ mới, học để bắt chước chứ không phải nghiên cứu ngôn ngữ Đức, nên các em cứ học rồi dần dần một thời gian sau các em hiểu đúng.
Hai nữa, nếu tôi lao vào soạn một giáo trình, có nghĩa là phục vụ tôi trước, tôi được học trước. Khi được học như thế mình hệ thống lại toàn bộ những kiến thức, và có trách nhiệm với tác phẩm của mình. Qua đó mình phải đi tìm tòi, phải nghiên cứu, phải học hỏi người nọ người kia. Bởi con người cần có sức ép, và tôi tạo ra sức ép cho chính mình. 
PV: Vâng đã có khá nhiều người Việt Nam tại Đức có nói đến việc là rất chờ đợi cuốn sách đó của anh ra mắt?
Nhà giáo Nguyễn Thế Tuyền: Tôi đã đã chuẩn bị ba, bốn giáo trình rồi nhưng vì đại dịch nên chậm lại. Đó là toàn bộ ngữ pháp tiếng Đức bằng hai thứ tiếng tiếng Đức và tiếng Việt thế, để làm sao hợp với người Việt. Vì nếu thầy giáo Đức giảng một từ hoặc một cụm từ, thầy giáo chỉ lấy ví dụ ,ví dụ 10 phút liền, còn tôi chia ra, ví dụ à nó có 3 nghĩa, trong hoàn cảnh này, trong văn cảnh này  các bạn phải hiểu là nghĩa một, hay nghĩa 2 hay 3. Như vậy là tiết kiệm thời gian cho học viên Việt Nam rất nhiều.
Tất nhiên người Đức dạy tiếng Đức thì tốt rồi, nhưng mà tốt đối với trình độ lập từ B 2 trở lên, tức là từ cao cấp, còn trình độ thấp hơn thì người ta không hiểu, mất nhiều thời gian lắm. Trước tôi làm cuốn sách để hội thoại, cuốn sách bỏ túi nhỏ nhỏ nhỏ để người bán hàng lúc không có khách người ta có thể ngồi đọc. Bộ đó là bộ Tự học tiếng Đức, chủ yếu để cho người hội thoại, học nói.. Còn bây giờ, cuốn này cao cấp hơn và gói gọn gần như toàn bộ ngữ pháp tiếng Đức từ A1 cho đến C2 và bằng tiếng Việt. Tôi hy vọng số lượng người quan tâm đến sách đông hơn.
PV: Ở Việt Nam hiện nay thì tiếng Đức được quan tâm nhiều hơn nhưng mà cũng vẫn còn có nhiều điều bất cập.

Nhà giáo Nguyễn Thế Tuyền: Ở nhà mình học tiếng Đức, vì bây giờ có trào lưu rất nhiều người muốn sang đây để làm điều dưỡng viên, làm công nhân. Ở nhà thành lập những trung tâm chủ yếu làm sao để các em có bằng B1 sang Đức học tiếp. Nhưng chủ yếu họ luyện thi. Còn thực chất sang bên này gần như bắt đầu lại, mới hoàn toàn, nên các cháu rất vất vả khi đi học ở nước Đức này, chưa nói chuyện gặp đại dịch càng khổ hơn rất nhiều. Tôi vẫn hay giúp các cháu. Ngữ pháp không khó. Ngữ pháp rất nhiều cháu thực hiện tốt. Nhưng quan trọng nhất là vốn từ, tư duy hình ảnh của ngôn ngữ Đức. Và một cái nhược điểm nữa mà người Việt học tiếng Đức khó là không có từ điển tốt nên rất thiệt thòi cho người học tiếng Đức
Xin cảm ơn nhà giáo Nguyễn Thế Tuyền về cuộc trò chuyện này 

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu
Chu Tuyết Lan

Một việc làm thật ý nghĩa với cộng đồng người Việt ở Đức và cả các bạn trẻ Việt Nam đang có... Xem thêm