Huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên là 1 trong 62 huyện nghèo nhất cả nước. Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Trung ương và chính quyền địa phương, công tác xóa đói giảm nghèo chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên.
Một góc ở huyện Mường Nhé nhìn từ trên cao. |
Huyện Mường Nhé cách thành phố Điện Biên khoảng 200 km về phía Tây Bắc. Huyện Mường Nhé có 11 đơn vị hành chính cấp xã với 110 bản, thành phần dân tộc chủ yếu là người Mông, Hà Nhì, Thái. Là huyện vùng sâu, vùng xa, giao thông không thuận lợi, tiềm năng thế mạnh không có gì đáng kể, vì thế kinh tế huyện Mường Nhé còn kém phát triển.
Những năm qua, cùng với các chính sách dân tộc, nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội được triển khai ở huyện Mường Nhé. Đặc biệt, Đề án sắp xếp, ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé (gọi tắt là đề án 79), triển khai từ năm 2012, đã tác động tích cực đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Vùi Văn Nguyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Nhé, cho biết: “Hiện bố trí sắp xếp được 1016/1079 hộ đạt 94% Đề án 79 phê duyệt, đầu tư hạ tầng 80/284 công trình. Tuy hiệu quả kinh tế thu được chưa nhiều nhưng cái được của Đề án là giúp ổn định an ninh, chính trị, từng bước giúp dân có nơi ở ổn định, đất sản xuất, tự cung, tự cấp cho gia đình. Xã hội hóa kêu gọi các nhà đầu tư, chủ yếu là các ngân hàng cổ phần xây dựng 1149 nhà, định mức hỗ trợ 1 nhà ở là 50 triệu đồng. Các chương trình khác như: Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (30A), chương trình phát triển kinh tế, xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa (135), chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, thì mỗi năm lồng ghép các chương trình này trên địa bàn huyện được đầu tư từ 250 đến 300 tỷ cho cây, con giống, lợn, gà, cá, ngan, máy nông nghiệp, cây cam, cây xả, cây ăn quả”.
Người dân đến sinh hoạt ở nhà văn hóa xã Sín Thầu. |
Huyện Mường Nhé đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các dự án khuyến nông, khuyến lâm, đào tạo nghề cho người nghèo ở khu vực nông thôn... Ưu tiên phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thông tin liên lạc. Anh Sùng A Khoa, dân tộc Mông, bản Nậm Kè 2, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé, cho biết: “Trước đây, cuộc sống tôi khó khăn nhưng đến giờ buôn bán nhỏ nên cuộc sống khá hơn trước. Từ trước đến giờ người dân trong bản được nhà nước quan tâm cho giống cây, trâu bò… để phát triển kinh tế. Tôi mong muốn nhà nước tiếp tục đầu tư kênh mương, giống cây trồng để phát triển kinh tế - xã hội”.
Trong 10 năm qua, huyện Mường Nhé giải quyết việc làm cho hơn 7000 lao động, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 700 lao động. Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 500 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; hỗ trợ tiền điện cho hơn 30.000 hộ nghèo và hộ chính sách xã hội với số tiền gần 18 triệu đồng. Hơn 43.000 người được cấp thẻ bảo hiểm y tế, tỷ lệ người dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch đạt hơn 76%. Bên cạnh sự hỗ trợ từ Nhà nước, bản thân người dân địa phương cũng ý thức vượt khó, vươn lên. Đã có nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình làm ăn hiệu quả và được nhân rộng. Ông Lò Văn Vanh, dân tộc Thái, bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè, kể: “Nhiều hộ gia đình có của ăn của để, thu nhập từ nuôi lợn, chăn nuôi trâu, bò, mỗi năm hàng chục triệu. Nhân dân bản Phiêng Vai chúng tôi tin tưởng nhất là mô hình trồng cây cam, mô hình chăn nuôi lợn được nhà nước đầu tư về con giống, thuốc bảo vệ động vật, tiêm phòng… Cam bán được 15.000 đồng đến 20000 đồng/kg, một năm thu khoảng 1 tấn. Gia đình tôi làm ruộng, nuôi cá, chăn nuôi trâu, bò trồng cây ăn quả như mít, xoài. Cả huyện có 2 cơ sở nuôi nhím. Hiện nhà tôi nuôi 20 con nhím, kinh tế gia đình ổn định”.
Huyện Mường Nhé đã thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ, hiệu quả để công tác an sinh xã hội được đảm bảo tốt hơn, đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo hơn 74% vào năm 2015 đến nay giảm đi còn gần 59%, có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, văn hóa, xã hội chuyển biến tích cực, chất lượng sự nghiệp giáo dục, y tế được nâng lên.
Thời gian tới, huyện Mường Nhé thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân bằng nhiều hình thức, biện pháp hỗ trợ thiết thực.