Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Lên Tây Bắc vào những ngày cuối năm. Dọc hai bên đường, những cây đào rừng đang bung nở khoe sắc, những bụi hoa dã quỳ nở muộn, những làn khói bếp bay lên từ vài ngôi nhà ven đường hòa quyện với cảnh núi đồi trùng điệp, thơ mộng. Ở nơi địa đầu tận cực Tây xa xôi của Tổ quốc, Sín Thầu, vùng đất khó khăn bậc nhất của cả nước khi xưa, nay đã thay da đổi thịt, người dân có cơm no, áo ấm và nếp sống văn hóa tốt đẹp.
Hoa dã quỳ nở vàng rực đọc đường lên Tây Bắc |
Sau hành trình chinh phục gần 250 km từ thành phố Điện Biên Phủ theo quốc lộ 12 và tỉnh lộ 131 quanh co, uốn lượn, với vô số khúc cua gấp, đèo dốc, chúng tôi đã đặt chân tới Sín Thầu, xã biên giới của huyện Mường Nhé với 35 km đường biên giáp Lào, Trung Quốc.
Từ những năm 1967- 1968, người Hà Nhì đã tìm đến vùng đất ngã ba biên này, ngược xuôi dòng Mo Pí để tìm đất lập cư, định bản. Cho đến năm 1970, những bản làng đầu tiên như Tả Kố Khừ, Tá Miếu, Pờ Nhù Khồ được lập nên, rồi đến các bản Tả Kố Ky, Tá Sú Lình, Lỳ Mà Tá… Đến nay, toàn xã có 7 bản, hơn 300 hộ dân, trong đó 91% là đồng bào dân tộc Hà Nhì.
Trung tâm huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên |
Sín Thầu nay đã khác xưa. Từ một xã “bốn không” về đường, điện, trường, trạm, với sự cố gắng, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và bà con nhân dân, đời sống người dân đang được cải thiện rõ rệt. Nhiều nhà tranh tre cũ nát được thay thế bằng nhà kiên cố, khang trang. Bà con nông dân đang chuyển từ tập quán trồng lúa nương, năng suất thấp và phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên sang trồng lúa nước, phát triển chăn nuôi, nâng cao đời sống.
Nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn đã được triển khai như thực hiện chương trình thí điểm trồng cây mắc ca và cây sa nhân; xây dựng mô hình kinh tế trang trại, du lịch sinh thái; chăn nuôi đại gia súc. Hiện toàn xã có gần 5.000 gia súc, gia cầm. Ông Lã Quý Bằng, Phó Bí thư đảng ủy xã Sín Thầu, hồ hởi cho biết: “Đến thời điểm này, Sín Thầu đã đạt được 17/19 tiêu chí về nông thôn mới. Cuối năm 2020, Sín Thầu phấn đấu sẽ cán đích đạt chuẩn về nông thôn mới. Thứ nhất là về tỷ lệ hộ nghèo. Thứ hai là chỉ tiêu chí về môi trường. Chúng tôi đã động viên hỗ trợ nhân dân vươn lên thoát nghèo. Trong thời gian vừa qua, thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo cho bà con nhân dân, chúng tôi thực hiện được nhiều chương trình, đặc biệt là chương trình 30A, chương trình 135. Ngoài ra, còn có sự đầu tư hỗ trợ của nhà hảo tâm trên địa bàn cung cấp con giống, cây giống, bà con áp dụng tiến bộ khoa học vào trồng trọt để thoát nghèo”.
Trẻ em tung tăng vui đùa khi tan học. |
Các chị em phụ nữ Sín Thầu cũng là những thành viên tích cực trong việc phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Các chị còn đi đầu trong phong trào “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, mô hình “Phụ nữ ứng phó với biến đổi khí hậu”. Mỗi tháng, hội phụ nữ xã duy trì sinh hoạt một lần để tuyên truyền về việc thực hiện nếp sống văn minh, gia đình hạnh phúc bền vững, như lời chị Pờ Mỳ Nụ, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Sín Thầu: “Ngày xưa, dân tộc Hà Nhì có tình trạng phân biệt trọng nam khinh nữ. Nhiều chị em phụ nữ không được tham gia học hỏi, tiếp cận xã hội. Từ năm 2016, khi về làm việc tại Hội phụ nữ xã, tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu nhiều về những chính sách về bảo vệ lợi ích chính đáng của chị em phụ nữ. Chúng tôi đã đi tuyên truyền để hội viên phụ nữ cũng như các ông chồng hiểu hơn về phụ nữ. Bây giờ đa phần chị em phụ nữ cũng như các anh nam giới đều được đi học hết. Trình độ giữa chị em phụ nữ với các anh nam giới là cũng ngang nhau”.
|
Là xã biên giới vùng cao, có đường biên giới với Trung Quốc, cùng với xã Sen Thượng, bà con nhân dân Sín Thầu thường xuyên duy trì mối quan hệ hữu nghị, tổ chức các chương trình giao lưu với thị trấn Khúc Thủy của Trung Quốc. Điều đặc biệt ở vùng đất biên viễn Sín Thầu, mỗi người dân luôn ý thức mình là “cột mốc sống” phối hợp với đồn biên phòng A Pa Chải trong việc tuần tra, gìn giữ an ninh biên giới, giữ vững chủ quyền lãnh thổ biên giới trên đất liền. Anh Sừng Khá Lụ, Trưởng bản Tá Miếu, nói: “Bản Tá Miếu luôn luôn đi tuần tra cùng với ban chỉ huy quân sự xã và đồn biên phòng các mốc biên giới Việt – Lào, biên giới Việt – Trung. Tôi cảm nhận đi tuần chung chính là sự bảo vệ Tổ quốc Việt, giúp bà con ổn định cuộc sống, ấm no hạnh phúc. Chúng tôi đã chào cột mốc, chào cờ trước quốc huy, quốc hiệu của Tổ quốc cùng với chiến sĩ biên phòng. Đều là công dân Việt Nam thì cùng nhau có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn chủ quyền của Việt Nam. Tôi vinh dự, tự hào là người ở vùng giáp biên được sống trên mảnh đất này”.
Cột mốc ngã ba biên giới A Pa Chải |
Bà con Hà Nhì nơi đây đã coi những người lính quân hàm xanh như người thân. Với phương châm "bốn cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc), chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải đã góp công làm nên một Sín Thầu có nếp sống văn hóa truyền thống tốt đẹp. Chương trình “Nâng bước em tới trường” đã góp phần nuôi dưỡng ước mơ tới trường của nhiều học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn vùng biên giới. Cảm phục những nỗ lực “truyền lửa”, tình yêu thương bà con dân bản của bộ đội biên phòng, bà Lỳ Rốn Nu, 59 tuổi, ở bản Tá Miếu, cho biết: “Các chú bộ đội biên phòng rất thương dân, xây trường cho các học sinh. Tôi phấn khởi và rất tự hào về các chiến sĩ biên phòng”.
Cùng với các chiến sĩ biên phòng, những người dân miền biên ải ý thức được tầm quan trọng và trách nhiệm, niềm tự hào của mình ở vùng cực Tây, nơi có cột mốc phân ranh giới ba nước Việt Nam – Lào- Trung Quốc và quyết tâm bám trụ để giữ yên bình cho dải biên cương của Tổ quốc.