Hưng Yên trên đường trở thành địa phương chuyển đổi số

Văn Lâm
Chia sẻ
(VOV5) - Tỉnh xác định 3 trụ cột trong chương trình chuyển đổi số là phát triển chính quyền số gắn với đô thị thông minh, phát triển kinh tế số gắn với doanh nghiệp số và phát triển xã hội số.

Tỉnh Hưng Yên xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm bởi đây là xu hướng phát triển tất yếu. Hưng Yên đang nghiên cứu xây dựng chương trình ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng đề án chuyển đổi số.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:
 
Trong những năm qua, Hưng Yên tích cực triển khai ứng dụng CNTT trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành…Đến nay, tỉnh đã cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, tạo tiền đề cho việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số.

Có thể nói, kinh tế số bước đầu đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Công nghệ số được ứng dụng chủ yếu trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và dịch vụ. Nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số và internet, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống của người dân. Toàn tỉnh hiện có trên 350 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT, doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh số đạt khá, đóng góp đáng kể cho nguồn thu ngân sách tỉnh.

Hưng Yên trên đường trở thành địa phương chuyển đổi số - ảnh 1Ảnh minh họa. Nguồn:  baochinhphu.vn

Nhận thức rõ chuyển đổi số toàn diện là nền tảng, động lực quan trọng thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 đã nêu rõ, mục tiêu cụ thể đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hoạt động quản lý nhà nước các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện, xã được xử lý trên môi trường mạng…Cùng với đó, có 2 đô thị là thành phố Hưng Yên và thị xã Mỹ Hào đạt các tiêu chí cơ bản về đô thị thông minh. Phấn đấu kinh tế số chiếm 20% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn); tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; tỷ lệ người dân có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%...

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 cũng khẳng định, Hưng Yên xác định xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Chuyển đổi số là nền tảng, động lực quan trọng xây dựng xã hội thông minh và nền kinh tế hiện đại, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của tỉnh. Hệ thống quản lý nhà nước và xã hội được vận hành dựa trên nền tảng số và hiệu lực, hiệu quả cao. Đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về chuyển đổi số.

Hưng Yên trên đường trở thành địa phương chuyển đổi số - ảnh 2Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT May Hưng Yên. Ảnh:  vinatex.com.vn 

Để thực hiện mục tiêu đó, hiện nay, tỉnh Hưng Yên đã tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định của tỉnh để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hoạt động đầu tư, kinh doanh; Xây dựng và ban hành Đề án tổng thể thực hiện Chương trình chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Hiện, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã giao cho Sở Thông tin & truyền thông làm đầu mối để triển khai chuyển đổi số cho tỉnh. Về Đề án tổng thể thực hiện Chương trình chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, bên cạnh triển khai xây dựng cơ chế chính sách, hạ tầng kỹ thuật và các nền tảng phục vụ chuyển đổi số, tỉnh Hưng Yên chú trọng vào một số lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, sản xuất công nghiệp và thương mại, tài nguyên môi trường, vận tải và logistic, tài chính ngân hàng, đặc biệt là tập trung vào lĩnh vực y tế trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.

Theo đó, từng bước hình thành chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên công nghệ số, ứng dụng công nghệ số toàn diện tại các cơ sở khám, chữa bệnh góp phần cải cách thủ tục hành chính, khám chữa bệnh từ xa, hồ sơ bệnh án điện tử cho người dân, nhằm đảm bảo người dân có thể tiếp cận với bác sĩ nhanh, hiệu quả, giảm chi phí và thời gian vận chuyển bệnh nhân, xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình ảnh cơ sở dữ liệu chuyên ngành về y tế của tỉnh.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, khuyến khích ưu đãi phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh. Từng bước thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng hệ thống dữ liệu của ngành về đất đai, tưới tiêu, cây trồng, vật nuôi, thủy sản

Trong lĩnh vực giao thông vận tải và logistics, xây dựng, phát triển hệ thống giao thông thông minh, tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị, các quốc lộ, tỉnh lộ; Triển khai ứng dụng toàn diện công nghệ số trong các ngành thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán và ngân hàng. Trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, triển khai các hệ thống thông tin để tăng cường quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của tỉnh trên môi trường mạng, không gian mạng, gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Để chuẩn bị cho hạ tầng kỹ thuật và các nền tảng phục vụ chuyển đổi số, tháng 7/2021, UBND tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel thỏa thuận hợp tác xây dựng, phát triển hạ tầng viễn thông-công nghệ thông tin; xây dựng nền tảng đô thị thông minh; hỗ trợ xây dựng đề án chuyển đổi số; hợp tác phát triển nguồn nhân lực; hợp tác toàn diện, hỗ trợ tỉnh Hưng Yên trong việc bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã đề ra các biện pháp, chủ trương lớn, đầu tư con người, cơ sở vật chất cho ứng dụng công nghệ thông tin với 3 trụ cột. Với những lộ trình và bước đi cụ thể, chuyển đổi số sẽ tạo đà giúp tỉnh Hưng Yên nắm bắt các cơ hội mới, khai thác môi trường số, mở rộng cánh cửa để Hưng Yên hội nhập với thế giới.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu