Phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Chia sẻ
(VOV5) - Chính phủ Việt Nam đã sớm xác định tầm quan trọng của việc chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.

Chiều 16/09, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) và Báo Điện tử Tin nhanh Việt Nam (VnExpress) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021 với chủ đề: “Bắt kịp các xu thế thị trường, phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hậu đại dịch COVID-19”. Sự kiện cũng được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của đại biểu từ hơn 1.300 điểm cầu trên khắp mọi miền đất nước, hơn 35 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Phát huy vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 - ảnh 1Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Diễn đàn chuyển đổi số nông nghiệp Việt Nam 2021. Ảnh: baoquocte.vn

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết Chính phủ Việt Nam đã sớm xác định tầm quan trọng của việc chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; coi đây là giải pháp đột phá, là cơ hội để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh đại dịch COVID-19 là thách thức lớn với nông nghiệp và cần đưa công nghệ thông minh chuyển đổi số để chuẩn bị phát triển nông nghiệp sau đại dịch: Để chuẩn bị cho sự bứt phá của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hậu COVID, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp mở rộng hợp tác quốc tế, nắm bắt thời cơ phát triển trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và chuyển đổi số.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đặt mục tiêu sẽ xây dựng bản đồ số nông nghiệp sẵn sàng kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, vận hành Chính phủ điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu