Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến - Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn |
Diễn ra ngày 30/9, Hội thảo trực tuyến “Ứng dụng công nghệ cảm biến trong giám sát chất lượng không khí” do Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn), Đối tác Không khí sạch Châu Á - Thái Bình Dương (APCAP), Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) và Tạp chí Tia Sáng đồng tổ chức, đã cập nhật xu hướng tích hợp công nghệ cảm biến trong quan trắc chất lượng không khí ở các nước và Việt Nam.
Tại Việt Nam, đã xuất hiện mạng lưới quan trắc sử dụng cảm biến chi phí thấp, cung cấp thông tin về chất lượng không khí ở những địa điểm mà trước đây chưa hề có. Có thể kể đến những ứng dụng nước ngoài nổi bật như AirVisual, Air Matters, Air Quality, Windy; hay các ứng dụng nội địa đang được doanh nghiệp trong nước tự phát triển, bao gồm PAM Air, tMonitor, Puritrak...
Đáng lưu ý, một số nhóm nghiên cứu tại Việt Nam đã sáng chế thành công những công cụ cảm biến có độ nhạy, phát hiện khí độc trong không khí gấp nhiều lần so với các thiết bị thông thường. Ông Lưu Anh Tuyên, cán bộ Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, chia sẻ: "Thời gian gần đây chúng tôi đang tập trung nghiên cứu hai loại vật liệu cho cảm biến sensor, đó là vật liệu NIO và SEO2. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng kĩ thuật hạt nhân đặc biệt là kỹ thuật máy gia tốc để bắn các chùm ION vào trong vật liệu này nhằm nâng cao độ nhạy trong việc xác định loại khí độc như là CO, H2S. Các vật liệu của chúng tôi cho thấy, dùng kĩ thuật hạt nhân chúng ta có thể tăng độ nhạy trong việc xác định khí độc gấp 4-5 lần mà các thiết bị thông thường rất khó xác định, có thể cảnh báo được".
Tại Hội thảo, đại diện Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ đã chia sẻ kinh nghiệm tích hợp quan trắc chất lượng không khí (CLKK) tại Mỹ, từ thực hành tới các chính sách và hướng dẫn sử dụng cảm biến, trong đó nổi bật là Chương trình đánh giá hoạt động của cảm biến và Tài liệu Hướng dẫn sử dụng cảm biến được nhiều quốc gia áp dụng.