Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh hiện còn gần 250 nghìn ha bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, chiếm hơn 41% diện tích của tỉnh. Những năm qua, nhiều vụ tai nạn, thương tích đã xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là trẻ em.
Chính vì vậy, tỉnh Bình Định phối hợp với nhiều tổ chức trong nước và nước ngoài tổ chức các hoạt giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cùng các hoạt động ngoại khóa để giúp các em học sinh có nhận thức đúng, đầy đủ về sự nguy hiểm, cách phòng tránh tai nạn do bom mìn và vật liệu nổ gây ra.
Các em học sinh diễn thuyết tại Cuộc thi vòng loại “Chung tay phòng trành tai nạn bom mìn”.- Ảnh: Vĩnh Phong |
Cuộc thi vòng loại “Chung tay phòng trành tai nạn bom mìn” do Phòng giáo dục và Đào tạo Thị xã Hoài Nhơn, huyện Hoài Nhơn phối hợp với Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam và Cơ hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) tổ chức cho khối học sinh tiểu học của Thị xã Hoài Nhơn vào cuối tháng 10 vừa qua. Bằng hình thức trả lời các câu hỏi trắc nghiệm, thi diễn thuyết và kịch ngắn theo yêu cầu của Ban Tổ chức, các em học sinh đến từ các trường Tiểu học: Số 1 Hoài Hương, Số 3 Hoài Hương, Hoài Thanh Tây và Số 2 Tam Quan Nam, đã mang đến cho người xem một cái nhìn tổng quan về hiểm họa, tác hại của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, cũng như cách phòng tránh và phương pháp xử lý khi chẳng may gặp phải chúng trong quá trình học tập, sinh hoạt, lao động sản xuất.
Em Nguyễn Trần Khánh Thi, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Số 3 Hoài Hương, chia sẻ: "Khi lên trường thì cô giáo có giảng một số tác hại do bom mìn gây ra hoặc cách phòng tránh, nếu như gặp phải bom mìn thì mình phải làm như thế nào, và cô giáo cũng tặng cho mỗi bạn một quyển vở đằng sau có rất nhiều loại bom, ở dưới có ghi cách phòng chống hoặc các tai nạn do bom, mìn gây ra. Hôm nay con và các bạn cùng đi thi về phòng chống tai nạn bom mìn nhưng mà đây là diễn ở một sân khấu khác, tất cả các bạn đều diễn rất tốt, ai cũng vui vì được tham gia vào một buổi truyền thông về phòng chống bom mìn rất là bổ ích.”
Các em học sinh trả lời câu hỏi trắc nghiệm tại Cuộc thi vòng loại “Chung tay phòng trành tai nạn bom mìn”.- Ảnh: Vĩnh Phong |
Ông Nguyễn Văn Quý, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Số 3 Hoài Hương, cho biết những năm qua, công tác tuyên truyền, giáo dục cho các em học sinh về tác hại từ bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh được nhà trường tiến hành thường xuyên thông qua các buổi sinh hoạt lớp, chào cờ đầu tuần và lồng ghép nội dung này vào các môn học; các buổi thực tế trải nghiệm ở các chiến trường xưa, kết hợp với giới thiệu về các loại bom mìn, vật nổ và cách nhận biết. Từ đó khuyến cáo các em tránh xa bom mìn và tích cực tuyên truyền trong cộng đồng nâng cao ý thức, không chủ quan, lơ là, coi thường tính mạng trước hiểm họa của bom mìn, vật liệu nổ. Nhà trường cũng thường xuyên mời cán bộ của Ban Quản lý Dự án Việt Nam-Hàn Quốc khắc phục hậu quả sau chiến tranh; các cán bộ công binh, lên lớp hướng dẫn cách phòng chống bom mìn.
Ông Nguyễn Văn Quý cho biết: "Ngoài tìm hiểu trên Internet ra thì các thầy cô được trực tiếp tập huấn tại thị xã 2 lần, sau đó về đơn vị phường, xã, thị đội Hoài Nhơn, rồi là chúng tôi còn mời các anh bộ đội ngày xưa, đặc biệt là các anh thương binh bằng những hình ảnh cụ thể, các anh tuyên truyền khi chúng tôi tập huấn lại cho các em, và đặc biệt là trong dịp 22 tháng 12 vẫn mời các anh về nói chuyện, ngoài truyền thống giúp các em yêu các anh Bộ đội Cụ hồ thì chắc cũng lồng ghép vào chương trình này để tiếp tục giáo dục cho các em phòng tránh bom mìn.”
Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn là một trong những hợp phần quan trọng nằm trong Dự án Việt Nam-Hàn Quốc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh được Trung tâm hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam triển khai thực hiện từ năm 2018 trên hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP).
Qua hai năm triển khai, đã có gần 150.000 người dân địa phương và học sinh, sinh viên tại 2 tỉnh được nâng cao nhận thức về nguy cơ bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Ông Cho Han-Deog, Giám đốc quốc gia Koica tại Việt Nam, cho biết: "Tôi đã đi thăm rất nhiều trường ở trên địa bàn dự án, việc giáo dục nâng cao nhận thức về tai nạn bom mìn cho các em học sinh là rất quan trọng. Thông qua việc này, các em đã nhận thức được nguy cơ của bom mìn như thế nào, từ đó có cách phòng tránh cho phù hợp. Đây là điều hết sức cần thiết cho các em học sinh, những tương lai của Việt Nam. Tôi nghĩ rằng đây là những thành quả rõ nét mà Dự án này mang lại.”
Bình Định là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng rất lớn do chiến tranh để lại, do vậy diện tích bị ô nhiễm bom mìn trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất lớn. Để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là các em học sinh về kỹ năng phòng tránh hiểm họa bom, mìn, vật liệu nổ, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tập huấn, giáo dục cho các đối tượng, nhất là đội ngũ đang công tác trong ngành giáo dục. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 200 lãnh đạo, cán bộ phòng giáo dục quận, huyện và các giáo viên chủ chốt được tập huấn về lồng ghép giáo dục phòng tránh, tai nạn bom mìn vào chương trình học cấp Tiểu học và Trung học cơ sở.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định, cho biết: "Chúng tôi cũng triển khai hết sức đồng bộ trên địa bàn dân cư, trên các trường học và có nhiều cách làm hết sức sáng tạo thông qua tiểu phẩm, rồi thông qua các phóng sự truyền hình để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phòng chống bom mìn. Và chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo nhân rộng các hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác phòng chống, hạn chế tai nạn thương tích do bom mìn xảy ra trên địa bàn, đồng thời tiếp tục huy động nguồn lực để tạo sinh kế, hỗ trợ cho các đối tượng nạn nhân bom mìn, những người khuyết tật để có điều kiện, cuộc sống tốt hơn trong thời gian tới.”
Với khẩu hiệu: Hãy tránh xa bom mìn, vật liệu nổ vì một cuộc sống bình yên, việc tuyên truyền giáo dục trong nhà trường về phòng tránh tai nạn bom mìn được tỉnh Bình Định xác định là nhiệm vụ trọng yếu. Từ đó góp phần giảm thiểu tối đa những tai nạn bom mìn có thể xảy ra.