Công điện của Thủ tướng Chính phủ: Ứng phó lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long và mưa lũ tại Bắc Bộ

Chia sẻ
(VOV5) -Tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, những ngày vừa qua đã có mưa to đến rất to.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Công điện chỉ đạo chính quyền địa phương và các bộ, ban, ngành ứng phó lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long và mưa lũ tại Bắc Bộ.

Công điện nêu rõ: Hiện nay, mực nước sông Cửu Long đang tiếp tục lên, mực nước cao nhất ngày 30 tháng 8 năm 2018 trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,98m (dưới báo động 2 là 0,02m), trên sông Hậu tại Châu Đốc là 3,55m (trên báo động 2 là 0,05m).

Công điện của Thủ tướng Chính phủ: Ứng phó lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long và mưa lũ tại Bắc Bộ - ảnh 1Ảnh minh họa/ VGP 

Tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, những ngày vừa qua đã có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi gần 600 mm; gây lũ lớn trên thượng nguồn sông Mã, đỉnh lũ tại Hồi Xuân (tỉnh Thanh Hóa) vượt mức báo động 3 khoảng 2,05m…

Để hạn chế thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai.

Theo đó, Tổng cục Khí tượng thủy văn tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động hợp tác, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam và các cơ quan liên quan chia sẻ thông tin để dự báo sát diễn biến lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan, địa phương có liên quan phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó hiệu quả.

Các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long chủ động chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp phòng, chống lũ để bảo đảm an toàn tính mạng và bảo vệ sản xuất cho người dân.

Các địa phương khác tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, tiếp tục rà soát, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân; triển khai công tác bảo vệ đê điều, hồ đập theo cấp báo động; sẵn sàng lực lượng, phương tiện xử lý kịp thời các tình huống, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục sự cố xảy ra.

Phản hồi

* Vui lòng nhập bình luận tiếng Việt có dấu