Trong tuần qua, bão Sơn Tinh đã đổ bộ vào nhiều địa phương trong cả nước. Tại các địa phương có mưa lũ quét qua, chính quyền cùng người dân đang dốc sức khắc phục hậu quả, khẩn trương phục hồi sản xuất và ổn định lại đời sống.
Nhiều tài sản bị vùi lập trong nước lũ ở Yên Bái |
Mưa lớn đã khiến nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái bị cô lập. Gần 60 ngôi nhà đã bị thiệt hại tại Yên Bái, nhiều công trình thủy lợi bị ảnh hưởng, giao thông bị chia cắt. Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, trực tiếp công tác cứu người, tài sản, khắc phục hậu quả của cơn bão Sơn Tinh và lũ tại các tỉnh phía Bắc. Cùng với đó, chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang cũng tập trung sức người, sức của, nỗ lực tham gia cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả cơn bão.
Tỉnh Yên Bái hỗ trợ các gia đình có người bị chết, bị thương, nhà bị sập, đổ hoàn toàn số tiền 2 tỷ 540 triệu đồng và gần 17,5 tấn gạo. Đồng thời bố trí chỗ ở tạm thời và trang bị các vật dụng thiết yếu cho các hộ mất nhà và các hộ buộc phải di dời để ổn định lại cuộc sống. Lực lượng y tế trong tỉnh cũng đã cấp 65 kg Cloramin bột, 13.000 viên Cloramin để phun thanh khiết môi trường, khử khuẩn nguồn nước sinh hoạt cho các hộ dân vùng lũ.
Ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, “Chúng tôi ưu tiên cho công tác tìm kiếm những người còn mất tích, cứu chữa người bị thương. Nỗ lực tiếp cận các địa bàn bị cô lập để khắc phục hậu quả thiên tại, hỗ trợ nhân dân cũng như là triển khai các công tác nếu như diễn biến thời tiết bất thường.”
UBND các huyện của tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cấp, các ngành và nhân dân thực hiện phòng chống, khắc phục hậu quả của bão Sơn Tinh; di chuyển các hộ gia đình có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở đất đến nơi an toàn và di chuyển đồ đạc đến nơi cao ráo để hạn chế thiệt hại.
Tại Quảng Ninh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh đang tích cực, chủ động tổ chức giám sát và hỗ trợ các địa phương bị ngập lụt do mưa lớn tại huyện Ba Chẽ, Tiên Yên và một số địa phương, trong công tác phòng chống dịch bệnh sau sự cố mưa lũ bởi ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão Sơn Tinh. Lực lượng y tế cơ sở đã trực tiếp thực hiện việc khử khuẩn cho người dân ở các địa phương có mưa lũ, tránh việc để xảy ra ngộ độc; giám sát chặt chẽ các bệnh dịch có thể xảy ra sau mưa lũ để kịp thời điều trị, khoanh vùng ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan.
Tại một số địa phương của tỉnh Phú Thọ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của hoàn lưu bão Sơn Tinh, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành và địa phương trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống lũ, khắc phục thiệt hại. Ông Nguyễn Bá Khuyến, Chủ tịch UBND huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, cho biết: “Chúng tôi yêu cầu các xã, đối với những hộ có thể đến được thì sẽ đến để hỗ trợ. Những hộ chưa tiếp cận được thì xã phải đến động viên, dọn dẹp cho các hộ và ứng tiền trước để hỗ trợ mỗi hộ từ 7,5 triệu đến 10 triệu. Những nhà bị sập hoàn toàn thì được hỗ trợ trước mắt là 15 triệu đồng.”
Hoàn lưu của bão Sơn Tinh gây mưa lớn kết hợp triều cường làm ngập lụt, tiếp tục gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, khiến người dân đối mặt với nguy cơ bệnh tật do ô nhiễm môi trường. Các địa phương đã chỉ đạo người dân và lực lượng chức năng vệ sinh môi trường theo nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ; đảm bảo vệ sinh nguồn nước.